Ủng hộ 'một trăm'

Tuần này, dư luận Hà Nội và cả nước bàn tán xôn xao nhiều nhất về việc cảnh sát giao thông (CSGT) ra quân thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019.

Trước hết, đây là nghị định có tốc độ “phi mã”, chỉ 2 ngày sau khi ký đã có hiệu lực thi hành và khắp 63 tỉnh, thành CSGT đã đồng loạt ra quân.

Khi “Nghị định 100” hiện thực hóa quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông đối với người đã uống rượu bia kiểu “zô, zô… trăm phần trăm”. Nên việc các “anh hùng bàn nhậu” phản ứng dữ dội cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi mức phạt của Nghị định 100 đã tăng gấp nhiều lần, hễ dính tí rượu bia là phạt, phạt cả dân nhậu đi bằng xe đạp, lại còn cấm luôn hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”... Lâu nay mấy “đệ tử lưu linh” vẫn cho rằng “Liu hiu gió thổi đầu non/Mấy thằng bợm nhậu là con Ngọc Hoàng”, nay tay cầm tờ biên lai phạt đã… choáng váng.

Trước hết phải hiểu cho rõ Nghị định 100 không cấm quyền sử dụng bia, rượu của người dân mà chỉ nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông đối với người đã uống rượu bia. Thứ hai, tai nạn giao thông liên quan tới rượu, bia là nỗi nhức nhối của xã hội, để lại hậu quả lớn về người và tài sản. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: "Trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam có 24 người tham gia giao thông và không về nhà; 60 người khác bị thương vì tai nạn giao thông có liên quan tới rượu bia. Nói về tai nạn giao thông, Việt Nam cũng mất 2,5% GDP/năm trong khi tăng trưởng cả nước hàng năm chỉ khoảng 6%".

Vì vậy, việc nâng cao mức phạt với hành vi đặc biệt nguy hiểm như vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe là có cơ sở. Việc này không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân, là đòi hỏi cấp bách của cộng đồng. Trên thế giới, có 80 quốc gia quy định mức độ cồn trong khí thở phải đạt đến ngưỡng nào đó người ta mới xử phạt, 20 quốc gia còn lại áp dụng phương án cứ có nồng độ cồn trong khí thở thì xử phạt, việc áp dụng tùy thuộc vào tình hình riêng của từng nước.

Để có quy định như thế khi Quốc hội họp bỏ phiếu thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã có những cuộc tranh luận gay gắt, trái chiều tại nghị trường và trong xã hội về điều khoản “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Không phải tự dưng các đại biểu phải bấm nút lại lần hai mới thông qua được điều khoản này.

Những boăn khoăn của người dân trong quá trình thực thi pháp luật là có thật. Dù Nghị định 100 được cho là có tính nhân văn, đưa ra một thông điệp tốt cho cộng đồng như vậy, thế nhưng những người tác nghiệp, thực thi pháp luật cụ thể ở đây là CSGT mà không đàng hoàng thì lại vô tình biến luật thành điều không tốt, ảnh hưởng tới xã hội. Thậm chí phản tác dụng, nếu để phát sinh tràn lan tình trạng chung chi, tiêu cực.

Tiếp theo là thời đại 4.0 nhưng Việt Nam chúng ta chưa có dữ liệu về lái xe vi phạm an toàn giao thông nên dù đã tăng mức phạt nhưng tính răn đe trong xử phạt không cao. Thời gian tới, cần có trung tâm dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông để phạt lũy tiến nếu người điều khiển phương tiện vẫn tái phạm.

Đã đến lúc không thể bao biện “văn hóa bia rượu”, về lợi ích kinh tế to lớn mà ngành sản xuất, tiêu thụ bia rượu mang lại để phản ứng lại một quy định mà xét cho cùng mỗi năm sẽ cứu được hàng nghìn mạng người chết oan uổng.

Nguyễn An Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tieng-dan-ung-ho-mot-tram-362291.html