Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng thành phố thông minh

Hội thảo khoa học 'Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025' diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, với sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực AI tại: ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện John von Neumanm, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam…

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025” diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, với sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực AI tại: ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện John von Neumanm, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Đây là hội thảo quan trọng đầu tiên của thành phố để làm rõ khái niệm vai trò, vị trí của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của thành phố, cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu và ứng dụng AI, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Chủ tịch UBND thành phố, trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là cuộc cách mạng chưa có tiền lệ làm thay đổi toàn bộ các lực lượng sản xuất.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu toàn cầu, 12 lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem lại giá trị kinh tế thế giới 33.000 tỷ USD từ nay đến năm 2025. AI đang phát triển đến ngưỡng ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Vào năm 2016, đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực này. “Nhận thức rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng để thành phố tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Do đó, từ năm 2017, thành phố tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm nền tảng để triển khai thành công đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nhận định. Từ hội thảo, thành phố hy vọng những sáng kiến cũng như kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp thành phố vững bước trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để thành phố có thể sản xuất những sản phẩm AI mang thương hiệu và do người Việt Nam làm chủ. Thành phố sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan Trung ương ban hành các chính sách tạo thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu và ứng dụng AI. Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các dự án khởi nghiệp nghiên cứu và ứng dụng AI có môi trường làm việc tốt nhất khi doanh nghiệp đầu tư tại thành phố.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nhìn trên tổng thể, ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống thành phố còn khá chậm. Thành phố đang đi sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới. Thành phố thiếu chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về AI. Môi trường kinh doanh chưa thật sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực, cơ hội của người dân chưa thật sự bình đẳng. Sự gắn kết, tương tác “bốn nhà” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự nghiên cứu và ứng dụng AI.

Nhiều chuyên gia về công nghệ AI, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài đưa ra ý kiến và những biện pháp phát triển khởi nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng AI. PGS, TS Thoại Nam, khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính - Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “AI hiện nay là hạt nhân để giải quyết các vấn đề của hiện thực cuộc sống. AI tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, quốc gia… Nắm bắt được những cơ hội này sẽ giúp cá nhân, tổ chức, bộ máy, quốc gia phát triển mạnh mẽ, hội nhập với tương lai”. GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán học Việt Nam, đề xuất, thành phố nên nhanh chóng thực hiện các công việc sau: Xây dựng hạ tầng số để phát triển AI; xây dựng cơ chế chính sách riêng của thành phố để phát triển AI; xây dựng nguồn nhân lực để phát triển AI; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số và hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu. TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Tôi mong đợi xây dựng một quỹ đầu tư phát triển AI, có sự đầu tư của “bốn nhà”, là: thành phố, các trường đại học, doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Việt Nam có nhiều người giỏi. Điều mà chúng ta đang thiếu chính là sự đoàn kết để cùng giải quyết một bài toán lớn. Tôi hy vọng với quỹ đầu tư và các chính sách đúng đắn của thành phố, chúng ta có thể giải quyết được việc nêu trên”.

Các chuyên gia cũng đề nghị thành phố chọn đối tác chiến lược nghiên cứu và ứng dụng AI, giai đoạn 2019 - 2025. Trước mắt, xác định chương trình trọng tâm trong hai năm tới, thành phố cần triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, trong đó gắn với chuẩn hóa dữ liệu và an toàn dữ liệu, phòng thí nghiệm AI đặt trên địa bàn thành phố, chương trình đào tạo nhân lực về AI…

Tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai ứng dụng AI để điều trị ung thư sau sáu tháng thử nghiệm. Phương pháp điều trị này dựa trên nền tảng giải pháp Watson For Oncology của Công ty phần mềm IBM do Công ty Five9 Việt Nam triển khai. Giải pháp này hỗ trợ bác sĩ đưa ra lựa chọn phác đồ điều trị ung thư dựa trên hệ thống dữ liệu điều trị nhiều bệnh nhân trên thế giới. Hỗ trợ các bác sĩ phát triển phác đồ điều trị 13 loại ung thư phổ biến như: ung thư vú, phổi, đại tràng, trực tràng, dạ dày, cổ tử cung, buồng trứng, tiền liệt tuyến, bàng quang, tuyến giáp, gan, nội mạc tử cung, thực quản.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40530002-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-xay-dung-thanh-pho-thong-minh.html