Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K: Hiệu quả thế nào?

Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm 'Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K', kết quả đạt được cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM WFO đưa ra và phác đồ của bác sỹ của bệnh viện là trên 90%.

Thông tin tại hội thảo “Báo cáo kết quả thử nghiệm hệ thống IBM Watson for Oncology (WFO) - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K” diễn ra chiều ngày 10/5, PGS.TS Lê Văn Quảng- Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, theo ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012, trên thế giới có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, với 8 triệu ca tử vong. Theo Ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì căn bệnh này.

PGS.TS Lê Văn Quảng- phó giám đốc Bệnh viện K phát biếu tại buổi báo cáo kết quả triển khai thử nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo tại Bệnh viện K

“Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng tỷ lệ bệnh nhân đến khám và chẩn đoán ở giai đoạn muộn vẫn còn cao. Sự chênh lệch về chuyên môn của bác sĩ ở các bệnh viện và các tuyến cũng là yếu tố hạn chế trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung thư”- Phó Giám đốc Bệnh viện K nêu thực trạng

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, tại Bệnh viện K, hệ thống IBM WFO được đưa vào thử nghiệm từ cuối tháng 1/2018 trên số lượng 200 ca bệnh, tập trung phần lớn là bệnh ung thư vú, phổi ở giai đoạn sớm. Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm, kết quả đạt được cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống đưa ra và phác đồ của bác sỹ của bệnh viện là trên 90%. Điều này cho thấy các bác sĩ của bệnh viện đã cập nhật và sử dụng các phác đồ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới.

TS Đào Văn Tú - Phụ trách Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Viện Nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K cho biết thêm hiện phần mềm của hệ thống chỉ có vai trò hỗ trợ, cần người có chuyên môn tốt hiểu rất rõ nhập vào mới chính xác. Với bệnh ung thư vú, phát hiện giai đoạn sớm tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bác sĩ và hệ thống lên đến 97%. Điều đó cũng cho thấy những phác đồ bác sĩ Việt Nam đang áp dụng so với các phác đồ trên thế giới tương đồng rất cao.

7 trường hợp cho kết quả không tương đồng trong thử nghiệm này là những trường hợp khó, hoặc do có loại thuốc thế giới có nhưng chưa được sử dụng tại nước ta…

Theo TS Tú, đây chỉ là công cụ tham khảo, bệnh viện, bác sĩ có thể xem nó là gợi ý. Việc đưa ra phác đồ nào phù hợp với bệnh nhân phải thông qua hội chẩn

PGS.TS. Lê Văn Quảng cũng nhấn mạnh, xu hướng điều trị ung thư là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, chỉ có bác sỹ mới đưa ra các chỉ định tinh tế phù hợp với điều kiện sinh học và hoàn cảnh xã hội khác nhau của từng người bệnh. Vậy nên, hiện tại và lâu dài hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và quyết định điều trị lâm sàng

Thông tin tại hội thảo cũng khẳng định hệ thống này không phải là phương pháp chẩn đoán hay điều trị ung thư mà là phương tiện gợi ý, giúp bác sỹ chuyên ngành ung thư có thêm sự lựa chọn, tham khảo trong quá trình điều trị. Việc quyết định điều trị cuối cùng cần thiết phải dựa trên kiến thức, kỹ năng của bác sỹ chuyên khoa trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, đặc biệt những ca bệnh khó cần dựa trên quyết định của tiểu ban chuyên khoa (tumour board), bao gồm bác sỹ phẫu thuật, xạ trị, nội khoa, cận lân sàng… bởi lẽ điều trị ung thư không những cần áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả nghệ thuật, kinh nghiệm của người thầy thuốc, có như vậy mới có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-ho-tro-dieu-tri-ung-thu-tai-benh-vien-k-hieu-qua-the-nao-n144105.html