Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên hàng trăm ca bệnh ung thư

Tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), hệ thống được đưa vào thử nghiệm trên số lượng 200 ca bệnh, tập trung phần lớn là bệnh ung thư vú, phổi ở giai đoạn sớm.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo IBM WFO đã được đưa vào thử nghiệm từ cuối tháng 1 tại bệnh viện đem lại nhiều thành công.

IBM Watson for Oncology (IBM WFO) là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo, được phát triển bởi công ty IBM và các chuyên gia của Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), được xây dựng dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan tới điều trị ung thư.

Hệ thống với nền tảng điện toán đám mây trên siêu máy tính của IBM cùng các thuật toán tối ưu giúp tìm kiếm trên 200 triệu trang tài liệu trong vòng ba giây, hệ thống cho phép cập nhật, tìm kiếm kho dữ liệu hồ sơ bệnh án và y văn nhanh.

WFO hỗ trợ các thông tin liên quan tới 11 loại ung thư và hệ thống đã triển khai tại 80 bệnh viện và cơ sở y tế tại 13 quốc gia trên toàn thế giới.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K. Ảnh: HQ.

Tại Bệnh viện K, hệ thống được đưa vào thử nghiệm trên số lượng 200 ca bệnh, tập trung phần lớn là bệnh ung thư vú, phổi ở giai đoạn sớm. Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm, kết quả đạt được cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM WFO đưa ra và phác đồ của bác sĩ của bệnh viện.

Theo PGS Quảng, sau khi nhập dữ liệu của bệnh nhân cần tư vấn, WFO có thể đưa ra một số thông tin trong thời gian ngắn: gợi ý phác đồ điều trị; lịch trình thời gian trong kế hoạch điều trị; đưa ra so sánh giữa các phác đồ điều trị; đưa ra các bằng chứng cho mỗi lựa chọn, cung cấp các bằng chứng thử nghiệm lâm sàng; có thể in tài liệu hỗ trợ bác sĩ, bệnh nhân tham khảo.

PGS Quảng cho hay hệ thống này rất hữu ích với các bác sĩ trẻ, chưa có cơ hội được đi học tập nước ngoài, được cọ sát với thực tiễn điều trị.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả hệ thống này, đòi hỏi các bác sĩ cần phải có một trình độ ngoại ngữ tốt để khi nhập thông tin về tình trạng bệnh nhân không được sai sót. Bên cạnh đó, để có được thông tin chính xác còn phụ thuộc vào cách đánh giá thể trạng bệnh nhân, cách đo lường kích thước u, hạch trên lâm sàng do sử dụng phương tiện đánh giá khác nhau giữa các bác sĩ, giữa các cơ sở điều trị ung thư.

“Nếu chẩn đoán sai về bệnh, sai về giai đoạn, không nắm được các bệnh kèm theo thì sẽ không thể điều trị tốt cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, xu hướng điều trị ung thư là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân. Vậy nên, hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và đưa ra các quyết định điều trị", PGS Quảng nhấn mạnh.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-tren-hang-tram-ca-benh-ung-thu-post859908.html