Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ người dân

TPHCM hiện là địa phương tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết các vấn đề xã hội; Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giao thông… đã bắt đầu tiếp cận các ứng dụng AI để tăng chất lượng phục vụ.

Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai phẫu thuật robot thần kinh Modus V Synaptive vào phẫu thuật nhiều bệnh lý não phức tạp. Ảnh BV cung cấp.

Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai phẫu thuật robot thần kinh Modus V Synaptive vào phẫu thuật nhiều bệnh lý não phức tạp. Ảnh BV cung cấp.

Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh

Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh của ngành khoa học máy tính, nhất là máy học và trí tuệ nhân tạo đã mở ra nhiều hướng phát triển đầy tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại các nước phát triển trên thế giới. Tại TPHCM, trong những năm gần đây, các bệnh viện đã bắt đầu tiếp cận các ứng dụng AI để tăng chất lượng điều trị.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Bệnh viện Bình Dân đã trang bị robot ngoại tổng quát Da Vinci điều trị từ năm 2016. Đến nay, robot này đã phẫu thuật 687 ca bệnh với nhiều bệnh lý phức tạp. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng triển khai phẫu thuật robot thần kinh Modus V Synaptive (thế hệ thứ 2) từ tháng 2/2019 và đã phẫu thuật 7 bệnh nhân với nhiều bệnh lý não phức tạp. Không chỉ vậy, bệnh viện này còn ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Bệnh viện Nhân dân 115 cùng Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp triển khai toàn bộ phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới đối với đột quỵ não cấp, lên đến 24 giờ.

Việc ứng dụng AI cũng đã đem lại hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh về ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Cụ thể, Bệnh viện đã triển khai ứng dụng thử nghiệm phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ bác sĩ. Đây là phần mềm AI nổi bật "IBM Watson for Oncology" của Mỹ, xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn về y khoa tiên tiến. Phần mềm AI này tập trung vào 2 loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Qua triển khai cho thấy, hệ thống có ưu điểm giúp các bác sĩ có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã áp dụng nguyên lý máy học xây dựng phần mềm ứng dụng giúp kê đơn hợp lý cho các bác sĩ làm việc tại các phòng khám của bệnh viện. AI đối với lĩnh vực y tế là cực kỳ quan trọng và hiệu quả. Qua đây cho thấy việc áp dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI đã góp phần cải thiện hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia để phát triển một ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố quan trọng từ công nghệ máy tính chuyên sâu, các chuyên gia khoa học máy tính, cho đến nguồn dữ liệu lớn có giá trị. Trong điều kiện nguồn lực của nước ta nói chung, của thành phố nói riêng, việc xây dựng mới các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế là còn rất xa, trước mắt là triển khai ứng dụng các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân là thách thức cần được quan tâm.

Ứng dụng AI trong giám sát giao thông tại TPHCM. Ảnh Minh Quân

Đột phá trong quản lý giao thông

Là trung tâm đô thị, kinh tế lớn của cả nước, TPHCM đã và đang phải đối mặt với những thách thức, những điểm nghẽn lớn trong quá trình phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đô thị do tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, sự gia tăng của dân số cơ học và nhiều phương tiện tham gia giao thông, trong khi thiếu cơ chế điều hành giao thông thật sự thông minh. Cho nên, ứng dụng AI trong giao thông nằm ở công tác quản lý, điều hành trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông thông qua việc thu thập đầy đủ các dữ kiện giao thông, phân tích các hành vi giao thông, dự báo các sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, việc ứng dụng công nghệ AI đang giúp các nhà quản lý quan sát và xử lý tình hình giao thông nhanh hơn. Cụ thể, Trung tâm Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông từ đầu năm 2019 đã lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 775 camera giám sát giao thông. Từ hệ thống màn hình, nhân viên vận hành ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao có camera kết nối, từ đó chia sẻ với các đơn vị liên quan chủ động xử lý kịp thời.

Ngoài mạng lưới camera nêu trên, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng được lắp đặt tại 118 vị trí, có thể tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo. Hiện Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông, góp phần định hướng xây dựng các chính sách cũng như kế hoạch quản lý.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đã kiến nghị UBND TPHCM cho thí điểm các giải pháp ứng dụng AI quản lý giao thông thông minh tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hệ thống camera giám sát sẽ được lắp đặt tại các điểm ra, vào khu vực sân bay và những tuyến đường xung quanh như Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà... Hệ thống này tự động nhận diện biển số xe, phân loại từng phương tiện, xác định thời gian ra vào khu vực sân bay, đồng thời kiểm soát việc lưu thông trên các làn xe khác nhau, phát hiện tự động các trường hợp vi phạm trong quá trình di chuyển. Mức độ chính xác nhận diện phương tiện được đánh giá tối thiểu đạt 90%.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-phuc-vu-nguoi-dan-112363.html