Ứng dụng thương mại điện tử kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Ngày 21/9, tại tỉnh Thái Bình, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thái Bình tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hội nghị nhằm đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh Thái Bình trên kênh phân phối truyền thống, xuất khẩu, cũng như thúc đẩy thương mại điện tử.

Kết nối cung cầu ứng dụng thương mại điện tử đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: CTV

Kết nối cung cầu ứng dụng thương mại điện tử đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: CTV

Hội nghị đồng thời cũng được kết nối trực tuyến với 17 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố là những địa phương có thị trường tiêu thụ lớn, trung tâm du lịch sôi động của cả nước, mang đến nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình với hai chủ đề chính: “Hội nghị giao kết giữa nhà sản xuất và phân phối” và “Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022”.

Tại hội nghị, báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh và hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình, ông Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 57.824 tỷ đồng, tăng 14,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 17,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.592 triệu USD, tăng 18,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.541 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021.

"Hàng hóa xuất khẩu nói chung của Thái Bình chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN, Australia, New Zealand và những nước mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực hiện” - ông Quân chia sẻ.

Đối với các sản phẩm OCOP, hiện tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3,4 sao; 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của địa phương, có thương hiệu nổi bật trên thị trường như: Mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân… hay các sản phẩm tập trung ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm của Thái Bình sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Thái Bình nói riêng, các địa phương nói chung nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thiết lập, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo ngành hàng, đa dạng các kênh phân phối (cả truyền thống và hiện đại) nhằm chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các nước quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do./.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ung-dung-thuong-mai-dien-tu-ket-noi-cung-cau-day-manh-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-113179.html