Ứng dụng TBKT trong trồng rừng thâm canh keo lai sản xuất gỗ lớn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: 'Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai tại vùng Bắc Trung Bộ'.

Mô hình trình diễn “Trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ” ở Qunảng Trị.

Mô hình trình diễn “Trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ” ở Qunảng Trị.

Cây trồng rừng chủ lực

Cây keo lai được đưa vào trồng khảo nghiệm ở vùng Bắc Trung Bộ vào khoảng năm 1996. Người trồng rừng keo lai hiện có thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/ha sau chu kỳ 6-7 năm trồng.

Đến nay, keo lai trở thành cây trồng rừng chủ lực của vùng Bắc Trung Bộ, đạt gần 112 nghìn hecta. Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có diện tích trồng keo lai chiếm 70% diện tích rừng trồng.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị xây dựng mô hình trình diễn “Trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ” trên diện tích 5ha nhằm hướng đến cung cấp gỗ xẻ có chất lượng cao.

Theo hạch toán bước đầu, cây keo lai cho trữ lượng gỗ ước tính 100-110 m3/ha và thu được 56 triệu đồng/ha từ sản phẩm gỗ, lợi nhuận trên 40,1 triệu đồng/ha trong chu kỳ 5 năm (mỗi năm thu được hơn 8 triệu đồng/ha). Với chu kỳ kinh doanh 10 năm, rừng keo lai gỗ xẻ cho trữ lượng gỗ 180 m3/ha, thu được 191,5 triệu/ha/chu kỳ kinh doanh, đạt 60% sản phẩm gỗ xẻ và 40% gỗ băm dăm, như vậy lợi nhuận thu được 175,2 triệu/ha, tính ra mỗi năm thu được 17,52 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng keo lai gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh 5 năm.

Qua đó thấy, trồng keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ thì lợi nhuận nhiều hơn trồng keo lai gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh 5 năm, đồng thời quy trình trồng rừng gỗ lớn giúp người trồng rừng giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, do đó giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác. Rừng keo lai gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ nhiều cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Diễn đàn đã giới thiệu định hướng chính sách phát triển và tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai; tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ và thảo luận với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững, sản xuất gỗ lớn phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Về giải pháp phát triển rừng keo lai thời gian tới, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, cần sớm đưa các giống keo lai mới được công nhận vào sản xuất để dần thay thế giống cũ, như các dòng: TB7 (chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gỗ tốt, ít cành nhánh, năng suất 30-35m3 gỗ/ha/năm); TB11 (chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gỗ tốt, ít cành nhánh, năng suất 30-35m3 gỗ/ha/năm); AH1 (chống chịu sâu bệnh tốt, sinh trưởng nhanh trên đất phù sa cổ, năng suất năng suất 30m3 gỗ/ha/năm); AH7 (chống chịu sâu bệnh tốt, sinh trưởng nhanh trên đất phù sa cổ, năng suất năng suất 30m3 gỗ/ha/năm)...

Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững, sản xuất gỗ lớn ở Quảng Trị và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Theo đó, Giám đốc Trần Văn Khởi đề nghị, đối với Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, cần tập trung nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng Bắc Trung Bộ trong việc phát triển rừng kinh tế nói chung và phát triển rừng keo lai nói riêng. Đặc biệt, giới thiệu các giống keo mới đã được công nhận và triển vọng vào sản xuất; giới thiệu một số kỹ thuật lâm sinh quan trọng dễ áp dụng để nông dân làm theo. Đề xuất các vùng, dạng lập địa phù hợp cho từng dạng rừng, để tư vấn cho chính quyền các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất.

Đối với hệ thống khuyến nông, cần tăng cường các hoạt động cho việc phát triển rừng keo lai như xây dựng mô hình, tập huấn, tham quan, hội thảo, trong đó việc truyền thông, tham quan, trao đổi kinh nghiệm là rất quan trọng.

Đối với bà con nông dân, cần mạnh dạn thay đổi thói quen, tập quán không phù hợp trong sản xuất trồng rừng của mình, nhất là thay đổi nguồn giống mới và xử lý thực bì. Nông dân và doanh nghiệp cần nghiên cứu các chính sách của Nhà nước như vốn hỗ trợ, vốn vay cho sản xuất và kinh doanh trồng rừng để đề xuất hỗ trợ.

Phan Việt Toàn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ung-dung-tbkt-trong-trong-rung-tham-canh-keo-lai-san-xuat-go-lon-post20490.html