Ứng dụng phương pháp truy tìm tội phạm để cứu hổ hoang dã

Trong công cuộc tìm kiếm các biện pháp bảo tồn hổ ở Sumatra, các nhà khoa học Anh và Indonesia đã áp dụng phương pháp định hình địa lý (geographic profiling) mà các nhà tội phạm học dùng để phát hiện các tên giết người hàng loạt.

Hổ Sumatra, Indonesia - Ảnh : Flickr

Hổ Sumatra, Indonesia - Ảnh : Flickr

Theo tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học Anh và Indonesia đã kết luận rằng phương pháp định hình địa lý (geographic profiling), được các nhà tội phạm học sử dụng để phát hiện những tên giết người hàng loạt, sẽ hữu ích trong việc bảo vệ hổ hoang dã. Với phương pháp này, có thể giảm thiểu số lượng các vụ xung độ giữa hổ với người.

Tác giả của phương pháp định hình địa lý là nhà tội phạm học người Canada Kim Rossmo, người làm việc trong những năm 1990 tại Sở Cảnh sát Vancouver. Năm 1996, ông đã phát triển một thuật toán cho phép phân tích địa điểm và ngày tháng của kẻ phạm tội, để dự đoán với độ chính xác đầy đủ nơi kẻ phạm tội cư trú. Thành công lớn đầu tiên của phương pháp mới là xác định được nơi cư trú của tên hiếp dâm Dennis Rabbit. Năm 2002, kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng người Canada Robert Pickton đã bị bắt và theo một cảnh sát đã về hưu, nếu chính quyền trước đó đã nghe lý lẽ của Rossmo thì có thể tìm thấy Pickton sớm hơn nhiều. Ngay sau đó, Kim Rossmo đã rời công việc cảnh sát. Bây giờ ông phụ trách khoa tội phạm học tại Đại học Texas (Mỹ) và là người đứng đầu Trung tâm Khảo sát và nghiên cứu địa lý.

Các nhà khoa học Anh và Indonesia hiện đang tìm kiếm những biện pháp bảo tồn hổ ở Sumatra. Tình hình ở đó thêm phức tạp do hổ sống gần người, vì vậy, nhiều khi hổ dễ tấn công người hoặc gia súc, dẫn đến việc nông dân địa phương giết hổ. Mục tiêu của các nhà khoa học là giảm thiểu những trường hợp như vậy.

Với phương pháp định hình địa lý (geographic profiling), người ta sử dụng dữ liệu về các cuộc đụng đầu với hổ của 2.386 người dân Sumatra trong 13 năm. Mức độ khoan dung đối với động vật hoang dã của người dân địa phương cũng được tính đến thông qua các cuộc điều tra. Kết quả là đã xác định được 3 vùng, nơi nguy cơ đối đầu với hổ hoang dã là cao nhất. Những dữ liệu đó sẽ được các chuyên gia bảo vệ môi trường sử dụng.

Nghiên cứu cho thấy rằng nếu thông tin này có sẵn từ trước thì đã có thể hành động kịp thời để ngăn chặn tới 51% các cuộc tấn công của hổ nhằm vào gia súc và con người. Đồng thời, điều này lẽ ra đã cứu được 15 con hổ khỏi bị giết.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/ung-dung-phuong-phap-truy-tim-toi-pham-de-cuu-ho-hoang-da-95856.html