Ứng dụng khoa học vào thực tiễn giúp vùng Tây Nam Bộ phát triển bền vững

Sáng 22-12, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VIệt Nam, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2018 Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ' (gọi tắt là Chương trình TNB).

Đề tài:”Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu” được UBND tỉnh Cà Mau cho triển khai ứng dụng tại biển Đá Bạc.

Các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị.

Trong quá trình triển khai, Chương trình TNB đã chủ động tập hợp lực lượng nhà khoa học đầu ngành, các viện/trường và doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN, giải quyết các vấn đề của vùng Tây Nam Bộ. Nhiều nhiệm vụ-đề tài-nghiên cứu đã có kết quả tốt, khi áp dụng thực tiễn đã phục vụ sản xuất và đời sống, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; Nghiên cứu cải thiện chuỗi giá trị nấm rơm; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành) ở vùng Tây Nam Bộ; Xây dựng chuỗi giá trị xoài Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu chủ lực; Nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế và đề xuất các giải pháp khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông Đồng bằng Sông Cửu Long; Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Công thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mê Công …

Thí dụ như nghiên cứu “Vấn đề dân số và di dân trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” (Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ - Chủ nhiệm đề tài: Lê Thanh Sang) cho thấy do tác động của biến đổi khí hậu, giai đoạn 1984-1989 có khoảng 200 nghìn người từ các tỉnh TNB đến các tỉnh khác trong vùng và các vùng khác; giai đoạn 1994-1999, con số này tăng lên khoảng 400 nghìn người; giai đoạn 2004-2009 là gần 1 triệu người và giai đoạn 5 năm tiếp theo là hơn 700 nghìn người, trong đó TP Hồ Chí Minh là nơi tiếp nhận khoảng 1/2 tổng số người di cư từ TNB. Nghiên cứu chỉ ra việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như dịch vụ công, vay vốn, giảm nghèo ... cho người di cư hầu như bị loại ra khỏi đối tượng được phục vụ và hỗ trợ tại nơi mà họ và gia đình họ đang sinh sống. Và khu vực nông thôn sẽ đối mặt quá trình lão hóa sớm hơn, do phần lớn lao động trẻ tuổi di cư không quay trở về. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, và hệ thống giáo dục-đào tạo ở đô thị chưa đáp ứng kịp.

Hay như đề tài: "Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu” do Công ty BUSADCO chủ trì, đang cho triển khai mô hình thí điểm thi công kè cấu kiện lắp ghép, bằng vật liệu bê tông cốt phi kim chống ăn mòn để bảo vệ đê biển tại các đoạn bờ biển bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 1.200m khu vực ven biển Kinh Mới - Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Nghiên cứu cho thấy cấu kiện đúc sẵn sẽ khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết trong quá trình thi công. Công nghệ kè này với hệ liên kết lắp ghép đồng bộ, bảo đảm chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn... và thời gian thi công được rút ngắn, hạ giá thành. Giải pháp công nghệ này đã được UBND tỉnh Cà Mau và các ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao và đã cho triển khai thí điểm ứng dụng.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Thành Đạt cho rằng, chương trình đã và đang triển khai 34 nhiệm vụ KHCN, trong số này đã nghiệm thu cấp quốc gia được 11 nhiệm vụ (lĩnh vực Khoa học xã hội - nhân văn, Phát triển bền vững là tám nhiệm vụ; lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ và Môi trường là ba nhiệm vụ). Đồng thời, đã được ngành chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và dự toán kinh phí 25 nhiệm vụ khác; hầu hết các nhiệm vụ đều đã bám sát các nội dung thuyết minh để triển khai thực hiện, xác hợp với thực tiễn của sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, từ kết quả thực hiện các nhiệm vụ và qua việc tiến hành kiểm tra thực tế cho thấy, tiến độ triển khai các đề tài vẫn còn chậm so với kế hoạch; một vài mô hình triển khai trên thực địa kết quả còn hạn chế, chưa mang tính điển hình; công tác thanh quyết toán còn có sai sót và tốc độ giải ngân kinh phí chậm, cần được các cơ quan chức năng hướng dẫn công tác thẩm định khối lượng, nghiệp vụ về tài chính. Đặc biệt là các thủ tục thanh quyết toán, giải ngân nhằm kịp thời tháo gỡ các nút thắt, nút nghẽn... để giúp các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian tới có thể triển khai một cách thuận lợi, nhanh chóng, đúng mục tiêu, đúng trọng tâm, đạt hiệu quả cao, tạo xung lực, thúc đẩy phát triển KTXH cho vùng Tây Nam Bộ và cả nước.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/38658202-ung-dung-khoa-hoc-vao-thuc-tien-giup-vung-tay-nam-bo-phat-trien-ben-vung.html