Ứng dụng khoa học - kỹ thuật – 'chìa khóa' giúp doanh nghiệp phát triển

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thực tế sản xuất cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã không ít DN đã gặt hái thành công thông qua việc đổi mới, ứng dụng KHKT mới vào sản xuất.

Hệ thống máy may tự động được áp dụng tại Công ty May xuất khẩu Trường Thắng (Nông Cống).

Những năm qua, sự phát triển của các DN trong tỉnh đã gia tăng, bổ sung nhiều nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, các DN dù mới thành lập hay đã duy trì phát triển sản xuất đều chú trọng đầu tư ứng dụng KHKT, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Khảo sát tại Công ty TNHH Ngân Khương (Nga Sơn), được biết: Công ty mới thành lập năm 2019, chuyên sản xuất, xuất khẩu các loại sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đồ mỹ nghệ từ cói... Sau thời gian tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp máy dệt chiếu và hệ thống sấy 2 chiều bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm cần thiết. Bên cạnh đó, ngoài chiếu cói Nga Sơn, một loạt sản phẩm mẫu mã mới gắn với cây cói được ra đời bằng nguyên liệu độc lập từ cói hay kết hợp với các nguyên liệu khác góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho công ty. Hiện sản phẩm của DN đã có mặt ở nhiều thị trường, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và từng bước tiếp cận với thị trường Mỹ; doanh thu năm 2019 đạt hơn 10 tỷ đồng.

Là DN trong lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Trường Thắng, thị trấn Nông Cống, cũng không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng những kỹ thuật mới hiện đại nhằm tăng năng suất, hiệu quả và đổi mới mẫu mã sản phẩm. Ông Vũ Công Thắng, giám đốc công ty cho biết: Năm 2019, sản phẩm may mặc của DN đã tiếp cận được một số thị trường, như: Mỹ, Nhật..., tổng doanh thu đạt hơn 10 triệu USD/năm. Để tiếp tục phát triển, công ty đã lắp đặt hệ thống máy may có lập trình, máy bổ túi tự động và ứng dụng công nghệ tự động vào 70% các khâu sản xuất. Đồng thời, không ngừng đào tạo, nâng cao chất lượng lao động và mở rộng quy mô nhà xưởng.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 2-2020, tỉnh ta có hơn 15.500 DN; trong đó, khoảng hơn 33% là DN sản xuất, kinh doanh. Song chủ yếu là các DN có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về nguồn vốn, nguồn lao động chất lượng cao... Nhiều khảo sát, đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cho thấy mức tăng trưởng của các DN sẽ đạt 12% đến 18% một năm sau khi thực hiện đổi mới công nghệ. Việc đầu tư cho công nghệ không chỉ giúp DN hiện đại hóa dây chuyền sản xuất mà còn tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Trong số hơn 15.500 DN trên địa bàn tỉnh, có khoảng 10% DN sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu. Việc đầu tư cho công nghệ rõ ràng đã mang lại nhiều lợi ích và là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị sản xuất. Nhưng đa phần DN của tỉnh đều có quy mô hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, ứng dụng KHKT tiên tiến. Do đó, thông qua các chương trình, dự án, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh cần tạo điều kiện để DN tiếp cận với nguồn vốn lớn, thuận lợi nhằm tăng kinh phí, tạo nguồn lực để đầu tư, ứng dụng KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, bản thân các DN cần chủ động để huy động nguồn lực nhằm mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, tạo được sự phát triển đột phá cho đơn vị mình.

Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat--chia-khoa-giup-doanh-nghiep-phat-trien/115202.htm