Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Đông Sơn

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Sơn luôn quan tâm và tăng cường phối hợp với ngành chức năng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho người dân hình thành các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Mô hình sản xuất rau ăn lá theo phương pháp thủy canh trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Để việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất mang lại hiệu quả, ngoài chủ động phối hợp với ngành chức năng đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, huyện Đông Sơn còn xây dựng nhiều cơ chế, chính sách kích cầu việc ứng dụng KH&CN. Đơn cử như, cơ chế hỗ trợ 800 triệu đồng/một mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy cấy và 50% chi phí mua khay cho cơ sở sản xuất mạ khay và dịch vụ máy cấy trong năm 2015. Giai đoạn 2016-2017, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu trang trại tập trung 200 triệu đồng/khu trang trại quy mô từ 5 ha trở lên với trang trại chăn nuôi, tổng hợp; 10 ha đối với trang trại nuôi cá, cá lúa tập trung; hỗ trợ xây dựng hạ tầng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, 100 triệu đồng/cánh đồng. Hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, với cánh đồng từ 30 ha trở lên, hỗ trợ sản xuất lúa 1,5 triệu đồng/vụ; rau màu, ớt, củ quả, 5 triệu đồng/vụ. Năm 2018, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng lò sấy, kho bảo quản để liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa trên địa bàn 700 triệu; hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích tập trung từ 10.000m2 trở lên...

Với cách làm này, nhiều địa phương trong huyện đã có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp. Hiện, toàn huyện đã xây dựng được 4 trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, có hệ thống phun sương, làm mát chuồng trại chăn nuôi, máng ăn, uống tự động tại các xã Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Quang. Xây dựng được 19.260m2 nhà màng công nghệ cao tại 5 xã Đông Tiến, Đông Yên, Đông Minh, Đông Văn và thị trấn Rừng Thông. Riêng 2 mô hình tại xã Đông Yên và Đông Tiến, ngoài trồng 2 vụ dưa Kim hoàng hậu từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, với tổng diện tích dưa 13.000m2/vụ, các vụ còn lại trồng các loại rau ăn lá, cây ăn quả như cà chua, dưa chuột luân canh xen vụ mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Đặc biệt, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Hiện, toàn huyện có 359 máy làm đất các loại, 70 máy gặt đập liên hợp, 42 máy cấy, 11 máy gieo hạt. Đến nay, khâu làm đất đã cơ giới hóa 100% diện tích, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 90% diện tích, đã thực hiện cấy bằng máy được trên 400ha. Ngoài ra, để góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và nâng cao giá trị sản phẩm cho sản phẩm nông nghiệp cùng với nguồn vốn hỗ trợ của huyện, các hộ gia đình, doanh nghiệp trong huyện đã đầu tư xây dựng các lò sấy, kho bảo quản lạnh công nghệ. Theo đó, trên địa bàn huyện đã có 1 kho bảo quản lạnh với diện tích 50m2 tại xã Đông Hoàng; 3 lò sấy nông sản tại các xã Đông Ninh, Đông Nam và Đông Hoàng...

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Đông Sơn, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn huyện đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh của nông sản, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác và tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất còn giúp huyện thực hiện tốt các dự án phát triển nông nghiệp, tuyển chọn và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện địa phương phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể; vẫn còn nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư vào KH&CN. Việc ứng dụng KH&CN chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, chưa tạo được những bước tiến có tính đột phá, chưa có nhiều mô hình sản xuất tiên tiến. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống, xem đây là một trong những động lực trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi liên kết xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm, phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm an toàn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tiếp tục triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-huyen-dong-son/106306.htm