Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy liên kết vùng

Đông Nam Bộ là vùng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của cả nước. Các địa phương trong vùng đã tập trung ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học… góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, liên kết vùng.

Tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt 70-75%

Nói đến KHCN, TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương tiên phong trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Gần đây nhất, thành phố xây dựng chương trình “Phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030” với mục tiêu từ nay đến năm 2020 tiếp tục thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công nghệ nguồn về lĩnh vực vi mạch, điện, điện tử đầu tư hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó, thành phố sẽ ươm tạo 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử. TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP), cho biết: “TP Hồ Chí Minh có tiềm năng phát triển rất lớn công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến. Chương trình phát triển vi mạch của thành phố đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chíp thế giới, hay nhóm sản phẩm điện kế điện tử thông minh, hệ thống HES trong lưới điện thông minh với các thiết bị sử dụng vi mạch Việt và phần mềm Việt...”.

Giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu khoa học tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2017.

Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tập trung đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao như chíp điện tử, vật liệu nano, robot, công nghệ tạo mẫu nhanh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, y dược, xử lý môi trường... theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Trong giai đoạn 2015-2017, vùng Đông Nam Bộ đã có 1.090 nhiệm vụ, dự án KHCN cấp tỉnh được triển khai. Các địa phương trong vùng đã đầu tư khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN đánh giá, ngoài việc quan tâm đặt hàng nhiệm vụ KHCN từ tính ứng dụng thực tế, các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn. Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương đã xây dựng giải pháp phần mềm Deface Tracking hỗ trợ kiểm soát, bảo mật thông tin, nghiên cứu hiện trạng và thử nghiệm các giải pháp xác thực đa yếu tố nhằm tăng cường an toàn thông tin. Tỉnh Bình Thuận có hệ thống phần mềm điện toán đám mây mã nguồn mở được đưa vào ứng dụng vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, đáp ứng hiệu quả lưu trữ và khả năng xử lý tốt nhất các yêu cầu về hiệu suất của hệ thống các máy chủ ứng dụng, độ tin cậy cao, bảo đảm an toàn và bảo mật dữ liệu...

Phát huy vai trò, thế mạnh của từng địa phương

Hoạt động KHCN của vùng Đông Nam Bộ luôn xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi nên đã tạo được những bứt phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại thành công cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đang rất được chú trọng và triển khai mạnh mẽ tại một số địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh.

Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh: Giai đoạn 2016-2018, thành phố đã thực hiện 329 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tập trung phục vụ các ngành, lĩnh vực như cơ khí-tự động hóa, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, hóa dược, công nghệ thực phẩm, vật liệu mới, quản lý và phát triển đô thị… Trong đó, 61,9% nghiên cứu hướng đến tạo sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh thu sản phẩm phát triển từ kết quả nghiên cứu KHCN đạt hơn 78 tỷ đồng. Thành phố đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020, nhằm hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đang định hình phát triển khu đô thị phía đông sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo dẫn dắt sự phát triển của thành phố và cả vùng. Trong đó, đề án xây dựng đô thị thông minh đặt ra 4 mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xây dựng đô thị sáng tạo, hỗ trợ các tỉnh xung quanh là Đồng Nai và Bình Dương, tạo động lực phát triển kinh tế của cả khu vực phía Nam. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, sẽ có ba quận gồm: Thủ Đức, quận 9, quận 2 trong tương lai sẽ hình thành khu đô thị sáng tạo phía đông. Để phát triển xa hơn, thành phố cần kết nối tương tác tốt hơn với các tổ chức quốc tế, phát triển KHCN ứng dụng, trở thành lõi trung tâm về KHCN của toàn vùng. KHCN phát triển cũng góp phần tạo nền tảng cho hệ sinh thái liên kết vùng tốt hơn. Với tinh thần Nghị quyết 54, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo sự phát triển đột phá KHCN. Thành phố giữ vai trò trung tâm và phải sản sinh ra những nhiệm vụ KHCN đặc biệt.

Đề xuất giải pháp quy hoạch các cụm KHCN phát triển mang tính chuyên môn hóa các sản phẩm chủ lực, đồng chí Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KHCN Đồng Nai cho rằng, cần xây dựng cơ chế hợp tác tăng cường liên kết hoạt động KHCN của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng. Các địa phương trong vùng nên tập trung chia sẻ tiềm lực KHCN, kết hợp sử dụng nguồn đầu tư để đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó là xây dựng mô hình liên kết trong hoạt động nghiên cứu, phát triển để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất và sản phẩm phù hợp với đặc thù cũng như thế mạnh của vùng, bảo đảm tính liên kết vùng.

Đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhận định, Đông Nam Bộ là khu vực phát triển năng động, tập trung lực lượng lao động có trình độ cao, trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ KH&CN đã có một số quyết sách để phục vụ phát triển KT-XH và doanh nghiệp trong vùng. Ví dụ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đặt tại TP Hồ Chí Minh là đơn vị được đầu tư lớn về trang thiết bị là minh chứng cụ thể về sự đồng hành của bộ, ngành liên quan đối với sự phát triển của vùng. Liên kết vùng là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay. Vùng cần ưu tiên những nhiệm vụ KHCN có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành. Các địa phương cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất và sản phẩm phù hợp, thúc đẩy KT-XH phát triển, tránh trùng lắp giữa các nhiệm vụ KHCN của Trung ương và địa phương.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-thuc-day-lien-ket-vung-547154