Ứng dụng hiệu quả công nghệ mô phỏng vào đào tạo

Những năm gầy đây, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mô phỏng (CNMP) vào giảng dạy, học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu làm chủ khí tài trang bị mới, hiện đại.

Giờ học về hệ thống điều khiển tự động máy bay Su-30MK2 của học viên chuyên ngành kỹ sư hàng không được giảng viên giới thiệu bằng phương pháp trình chiếu với những hình ảnh khá sinh động. Tiếp đó, học viên được giảng viên giới thiệu trực tiếp trên “Ca bin mô phỏng thông điện kiểm tra hệ thống thiết bị hàng không trên máy bay Su-30MK2” do các giảng viên Khoa Thiết bị Hàng không trực tiếp nghiên cứu, chế tạo. Thiếu tá, TS Nguyễn Văn Thinh, giảng viên Khoa Thiết bị Hàng không cho biết: “Với các phần mềm, thiết bị mô phỏng này, việc giảng dạy của chúng tôi thuận lợi hơn trước rất nhiều. Việc giới thiệu, hướng dẫn thực hành trên thiết bị mô phỏng giúp học viên nhanh chóng nắm chắc, hiểu sâu nội dung bài học”. Thượng sĩ Trần Kim Tuyến, học viên Đại đội 73, Tiểu đoàn 7 bày tỏ: “Các phần mềm, thiết bị mô phỏng giúp chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ nội dung bài học, nhất là có điều kiện tiếp xúc, làm quen gần sát với khí tài ở đơn vị...”.

Giảng viên Khoa Kỹ thuật hàng không giới thiệu với học viên về hệ thống thiết bị hàng không máy bay Su-30MK2 trên thiết bị mô phỏng.

“Ca bin mô phỏng thông điện kiểm tra hệ thống thiết bị hàng không trên máy bay Su-30MK2” là một trong hàng chục sản phẩm mô phỏng được cán bộ, giảng viên Học viện PK-KQ nghiên cứu thành công thời gian qua. Nói về kết quả nghiên cứu ứng dụng CNMP của học viện, Đại tá, TS Huỳnh Minh Chiến, Trưởng phòng Khoa học Quân sự cho biết: Triển khai chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNMP nâng cao chất lượng đào tạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện, cán bộ, giảng viên đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng được Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ ghi nhận, khen thưởng. Điển hình là sản phẩm: Sở chỉ huy diễn tập sư đoàn PK-KQ, các máy tập đài ra-đa, các thiết bị huấn luyện một số loại tên lửa; thiết bị chỉ huy bắn pháo phòng không; thiết bị chỉ huy bay, buồng lái Su-27, Su-30MK2... Đặc biệt, sản phẩm “Hệ thống sở chỉ huy diễn tập PK-KQ” được thiết kế hiện đại, sát thực tế chiến đấu, giúp người học có thể luyện tập khép kín, liên hoàn, đồng bộ trong hệ thống sở chỉ huy đa cấp.

Đánh giá về hiệu quả ứng dụng CNMP trong giáo dục, đào tạo, Đại tá, PGS, TS Bùi Xuân Khoa, Phó giám đốc Học viện PK-KQ nhận xét: Trong điều kiện một số khí tài trang bị hiện đại không thể đưa về trường huấn luyện, thì các công trình, sản phẩm mô phỏng của học viện nghiên cứu, chế tạo giúp học viên nhanh chóng tiếp thu, làm chủ khí tài trang bị mới, hiện đại và luyện tập xử lý linh hoạt các tình huống sát thực tế chiến đấu, nâng cao trình độ, năng lực toàn diện. Việc ứng dụng CNMP cũng tiết kiệm kinh phí xăng dầu, linh kiện thay thế, bảo đảm tuổi thọ của khí tài trang bị. Một số sản phẩm còn được sản xuất, cấp phát về các đơn vị phục vụ kịp thời nhiệm vụ huấn luyện, làm chủ khí tài trang bị của quân chủng.

Hiện nay, Học viện PK-KQ đang đề nghị cấp trên đầu tư, triển khai đề án “Trung tâm mô phỏng vũ khí, khí tài mới, cải tiến và tính toán chiến thuật, chiến dịch PK-KQ” và một số sản phẩm mô phỏng khí tài trang bị mới đưa vào huấn luyện, nhằm tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị dạy học, đào tạo nguồn cán bộ kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ làm chủ trang bị, khí tài hiện đại của lực lượng PK-KQ. Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường, Giám đốc học viện khẳng định: Phát huy kết quả đạt được trong quá trình phát triển CNMP thời gian qua, Học viện PK-KQ tiếp tục giáo dục, động viên, phát huy vai trò cán bộ, giảng viên trong nghiên cứu, ứng dụng CNMP vào đào tạo, lấy kết quả thực hiện mô phỏng làm nội dung thi đua, điều kiện để công nhận giảng viên giỏi các cấp. Gắn bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao với xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn giỏi để tạo ra những sản phẩm mô phỏng hiệu quả thiết thực. Việc xây dựng quy ước chuẩn giao thức truyền thông tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình tiến hành mô phỏng và vận dụng linh hoạt các hình thức mô phỏng cho phù hợp với mục đích, yêu cầu của từng nội dung huấn luyện cũng được học viện chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả nghiên cứu trong thời gian tới...

Bài và ảnh: XUÂN DÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ung-dung-hieu-qua-cong-nghe-mo-phong-vao-dao-tao-522161