Ứng dụng hẹn hò nở rộ ở Trung Quốc: Không chỉ vì tình yêu

Ứng dụng hẹn hò ngày càng phát triển ở Trung Quốc, dù nhiều lĩnh vực công nghệ khác gặp khó khăn trong hoàn cảnh các quy định được thắt chặt.

Khi Qu Tongzhou, 28 tuổi, một trợ lý nhiếp ảnh ở Thượng Hải, bắt đầu chuyến đi đến miền Tây Trung Quốc vào tháng 6, cô cảm thấy nơi này không mấy thân thiện. Do COVID-19, người dân địa phương và một số khách sạn tỏ ra e dè với khách du lịch.

Vì vậy, Qu đã lên Tantan và Jimu, hai ứng dụng hẹn hò nổi tiếng ở Trung Quốc với các tính năng giống Tinder, để gặp gỡ. Tuy nhận thức được những rủi ro liên quan đến người lạ, Qu vẫn thấy các ứng dụng giúp cô gặp được nhiều người bạn, bao gồm một doanh nhân ngành công nghệ sinh học ở thành phố Lan Châu, một bác sĩ người Tây Tạng ở thị trấn Tây Ninh và một nhân viên nhà nước ở Karamay, thành phố phía tây bắc Tân Cương. Tại mỗi điểm đến, những người “match” (được kết nối) với Qu trên ứng dụng giúp cô có chỗ ở, đưa cô đến các tụ điểm địa phương như những quán bar.

“Nếu không sử dụng những ứng dụng này, tôi sẽ không gặp được nhiều người. Sẽ không có ai đưa tôi đi thăm phố phường”, Qu nói.

Qu thường dùng ứng dụng hẹn hò để kết bạn khi đi đến những thành phố mới. (Ảnh: New York Times)

Qu thường dùng ứng dụng hẹn hò để kết bạn khi đi đến những thành phố mới. (Ảnh: New York Times)

Trong hai năm qua, Trung Quốc thắt chặt chính sách với phần lớn ngành công nghệ trong nước, cấm các công ty dạy kèm trực tuyến vì lợi nhuận, hạn chế trò chơi điện tử và phạt chống độc quyền hàng tỷ USD đối với các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất. Một số ông lớn công nghệ nổi tiếng một thời như Jack Ma, người sáng lập công ty thương mại điện tử Alibaba, ít xuất hiện trước công chúng hơn.

Nhưng một góc của ngành công nghệ Trung Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ: các ứng dụng hẹn hò.

Số lượng ứng dụng hẹn hò ở Trung Quốc có từ 1.000 lượt tải trở lên đã tăng từ 81 năm 2017 lên 275 trong năm 2022, theo công ty phân tích data.ai. Bên cạnh đó, lượt tải xuống của các ứng dụng và lượt chi tiền trong ứng dụng cũng tăng lên.

Các nhà đầu tư cũng đã rót hơn 5,3 tỷ USD vào các công ty mạng xã hội và hẹn hò ở Trung Quốc vào năm 2021, so với chỉ 300 triệu USD vào năm 2019, theo PitchBook. Các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như ByteDance và Tencent, cũng đang thử nghiệm, mua lại và đầu tư vào các ứng dụng mới hứa hẹn mang những người xa lạ lại gần nhau.

(Ảnh minh họa)

Không chỉ vì tình yêu

Các ứng dụng hẹn hò đang phát triển mạnh mẽ - và Trung Quốc dường như chấp thuận cho điều này - không chỉ vì những lý do lãng mạn. Ứng dụng hứa hẹn sẽ thúc đẩy thanh niên tiến tới hôn nhân vào thời điểm mà tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ ở Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục. Và không chỉ vậy, các ứng dụng hẹn hò cũng đang giúp người dùng chống lại sự cô đơn khi dịch COVID-19 đã tàn phá các kết nối cộng đồng.

Đối với nhiều người, những ứng dụng này trở thành “nơi trú ẩn online”- một hiện tượng của thế kỷ 21 về cái mà các nhà đô thị học gọi là “nơi thứ ba” - cộng đồng trung gian giữa nơi làm việc và gia đình - để các cá nhân khám phá sở thích, thảo luận về các chủ đề phổ biến và gặp gỡ những người bạn mới.

Raphael Zhao, 25 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh, cho biết: “Rất khó để gặp gỡ trực tiếp”. Zhao tải Tantan vào tháng 4 sau khi phải ở lại trường vì các biện pháp hạn chế đi lại trong dịch COVID-19. “Bởi vì có rất nhiều người trên những nền tảng này, nó mang lại cho bạn hy vọng rằng bạn sẽ gặp được những người có nhiều điểm chung".

Các ứng dụng hẹn hò cũng đang giúp người dùng chống lại sự cô đơn khi dịch COVID-19 đã tàn phá các kết nối cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng từng có động thái với các ứng dụng hẹn hò. Năm 2019, Tantan và một ứng dụng hẹn hò khác có tên Momo phải tạm ngưng một số tính năng sau khi bị các cơ quan quản lý gọi tên, liên quan đến việc bỏ qua cho các nội dung khiêu dâm được phát tán trên nền tảng.

Nhưng không giống như dạy kèm trực tuyến và giao dịch tiền điện tử, các lĩnh vực bị quản lý chặt chẽ, ứng dụng hẹn hò và các dịch vụ khác liên quan đến gặp gỡ xã hội vẫn tương đối “bình yên”, vì các ứng dụng này đã định hình rõ ràng mục tiêu giúp xã hội Trung Quốc phát triển.

Zhang Lu, người sáng lập Soul, một ứng dụng hẹn hò do Tencent hậu thuẫn, nói rằng “cô đơn là vấn đề cốt lõi mà chúng tôi muốn giải quyết”. Blued, ứng dụng hẹn hò đồng giới phổ biến nhất, tự nhận mình là một ứng dụng nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng và H.I.V. Trang web của họ làm nổi bật mục tiêu phòng ngừa H.I.V., với các hoạt động hợp tác với chính quyền địa phương và cuộc gặp gỡ của người sáng lập với các quan chức cấp cao như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Yun Zhou, phó giáo sư xã hội học và nghiên cứu Trung Quốc tại đại học Michigan cho biết: “Thay vì kiềm chế, các ứng dụng hẹn hò được xem là công nghệ mà nhà nước có thể hợp tác một cách hiệu quả”.

Khi các ứng dụng hẹn hò qua mạng đến Trung Quốc vào đầu những năm 2000, người “nắm quyền” kết nối các mối quan hệ - từ những người mai mối, cha mẹ và... sếp - ngày càng được chuyển sang các cá nhân. Nhiều người háo hức với sự thay đổi này, dẫn đến sự chú ý với các tính năng trên WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến, cho phép trò chuyện với người lạ.

Xu hướng tăng nhanh vào những năm 2010 với sự xuất hiện của các ứng dụng hẹn hò như Momo và Tantan. Cùng với Soul, ba ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất Trung Quốc thu hút tổng cộng hơn 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Soul và Momo từ chối bình luận. Tantan, thuộc sở hữu của Momo, không trả lời yêu cầu bình luận của New York Times.

Các ứng dụng thay đổi

Tantan và Momo ban đầu đặt các tiêu chí người dùng dựa trên ngoại hình của họ, dẫn đến cáo buộc rằng các nền tảng này dung dưỡng cho một nền văn hóa “hookup” (hẹn hò ngắn hạn). Gần đây hơn, các ứng dụng đã bắt đầu sử dụng sở thích, lĩnh vực quan tâm tính cách của mọi người làm cơ sở cho các cuộc gặp gỡ xã hội mới.

Douyin, thuộc sở hữu của ByteDance, ứng dụng giống như TikTok ở Trung Quốc, và Little Red Book, một ứng dụng có điểm tương đồng với Instagram, đã xây dựng các tính năng “khám phá cộng đồng”, sử dụng thông tin về sở thích của mọi người để tìm người phù hợp với họ. Soul trở nên đặc biệt phổ biến trong vài năm qua nhờ ảnh đại diện được cá nhân hóa theo kiểu avatar và cách thức liên kết người dùng dựa trên các bài kiểm tra tính cách. Năm ngoái, ứng dụng này đã vượt qua Tantan và Momo để trở thành ứng dụng hẹn hò được tải xuống nhiều nhất trên cửa hàng ứng dụng iOS tại Trung Quốc.

Yang Zhuoluo, 23 tuổi, một sinh viên thạc sĩ ở Bắc Kinh, đã gặp được một số bạn thân hiện tại thông qua nền tảng này. Cô nói: “Điều tôi thích nhất ở Soul là nó không bắt bạn nhìn ảnh và vuốt sang trái hay phải. Nó cho phép bạn đăng, chia sẻ ý tưởng và sau đó mọi người có thể thích và nhận xét".

Hồi tháng 7, Soul đăng ký phát hành lần đầu ra công chúng ở Hong Kong sau khi số người dùng hoạt động hàng tháng tăng gấp 3 lên 31 triệu người, từ năm 2019 đến năm 2021. Ba phần tư người dùng của họ sinh từ năm 1990 đến năm 2009, theo báo cáo của hãng.

(Ảnh minh họa)

Nhiều người dùng các ứng dụng hẹn hò này tỏ ra quan tâm đến chuyện gặp gỡ bạn bè hơn là tình yêu. Trong khảo sát hồi tháng 10 do một viện nghiên cứu Trung Quốc thực hiện, 89% người được hỏi cho biết họ từng sử dụng ứng dụng hẹn hò, trong đó đa số nói rằng chủ yếu muốn mở rộng các mối quan hệ xã hội chứ không phải tìm bạn đời.

Vladimir Peters, nhà phát triển làm việc tại Thượng Hải, người đang phát triển ứng dụng hẹn hò của riêng mình, cho biết nhiều người trẻ Trung Quốc hiện muốn các ứng dụng này cung cấp trải nghiệm toàn diện hơn, kết hợp giữa giải trí và khám phá sở thích – chứ không chỉ là “kết đôi”.

“Giới trẻ Trung Quốc thích những thứ vui nhộn để ‘phá băng’ và khởi đầu cho cuộc trò chuyện”, anh nói.

Nhiều công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc có ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội dường như cũng đi đến kết luận tương tự. Tencent, chủ sở hữu của WeChat, đã phát hành 10 ứng dụng thể loại mạng xã hội và hẹn hò trong vài năm qua. Họ đang phát triển một trò chơi tiệc ảo, trong đó người dùng có thể trải nghiệm các cuộc tụ họp xã hội mà không cần trực tiếp tham dự.

NetEase, một công ty trò chơi, cũng xây dựng ứng dụng hẹn hò đề xuất cho người dùng những người phù hợp dựa trên sở thích chung. Vào tháng 3, ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, mua lại PoliQ, công ty khởi nghiệp sử dụng thực tế ảo để tăng cường kết nối xã hội.

Trong thời gian bị hạn chế đi lại ở Thượng Hải hồi tháng 4, Qu - người vốn đánh giá cao các cuộc gặp gỡ trực tiếp và các đặc điểm khuôn mặt trên các ứng dụng hẹn hò, cho biết cô bắt đầu trân trọng những người mình gặp hơn với tư cách là bạn trên mạng.

“Chúng tôi bắt đầu kết nối với nhau hoàn toàn ở mức độ tâm lý”, cô nói. "Chúng tôi biết ơn khi có người đồng hành".

Phương Anh(Nguồn: The New York Times)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ung-dung-hen-ho-no-ro-o-trung-quoc-khong-chi-vi-tinh-yeu-ar704237.html