Ứng dụng gọi xe trong nước đua tranh cùng Grab

Hàng loạt ứng dụng gọi xe xuất hiện và tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh cùng Grab sau ngày Uber rời bỏ cuộc chơi (8-4-2018) tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, đã có các ứng dụng mới có mặt ở Hà Nội và TPHCM như Xelo, Hana, Go Việt…

Ứng dụng gọi xe Go-ixe đã mở rộng phạm vi hoạt động ra tới tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Go-ixe

Ứng dụng trong nước: Còn ít xe, khó gọi

Đó là cảm nhận của nhiều người dùng khi chuyển qua dùng các ứng dung, dịch vụ gọi xe trong nước. Thực tế là do các ứng dụng này chưa đủ tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu… như Uber, Grab nên việc thu hút tài xế/đối tác, truyền thống trên diện rộng vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Kể cả các doanh nghiệp kinh doanh taxi như Vinasun hoặc Mai Linh dù đều có ứng dụng gọi xe như V.Car, Taxi Mai Linh nhưng chưa thể thu hút khách hàng như Grab hoặc Uber. Cơ bản là giá dịch vụ gọi xe của Vinasun (V.Car) và Mai Linh hiện vẫn đang áp dụng khung giá của taxi nên khó lòng cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe nước ngoài (giá thấp hơn trong khung giờ bình thường, không nhân giá).

Tuy nhiên, cũng có khách hàng khen ứng dụng gọi xe trong nước như anh Nam Thành, nhà ở quận 10 cho biết, đã từng gọi xe bằng Vato và nhận thấy dịch vụ này cũng đáp ứng khá nhanh so với Uber hay Grab. Số lượng xe cũng tương đối nên cũng dễ gọi hơn, có thể dùng thay cho Grab.

Một số khách hàng thì cho rằng, giá gọi xe Vato lại rẻ hơn so với Grab (do hay bị nhân giá); ví dụ như quảng đường 7-8 km nếu gọi Grab phải trả hơn 80.000 đồng; còn gọi Vato chỉ phải trả hơn 60.000 đồng. Tuy nhiên, ứng dụng này hiện tại chỉ có thể trả bằng tiền mặt, chưa hỗ trợ thanh toán qua thẻ ngân hàng như Grab hoặc Uber (trước đây).

Hiện tại, bên cạnh ứng dụng gọi xe quen thuộc là Grab, người dùng điện thoại thông minh (smartphone) có thể tải về và yêu cầu xe máy/ôtô tới đón như Vato, T.Net, Xelo… Các ứng dụng này hiện tại chủ yếu đang hoạt động ở khu vực TPHCM và Hà Nội; chưa mở rộng địa bàn kinh doanh ra nhiều tỉnh thành khác. Phần lớn các ứng dụng trong nước vẫn đang tập trung khai thác mảng kinh doanh chính là dịch vụ gọi xe máy (giống GrabBike) và ô tô (giống GrabCar); chưa thể làm thêm mảng giao nhận hàng (như GrabExpress) và giao nhận thức ăn (như GrabFood).

Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập ứng dụng gọi xe Vato (tên cũ là Vivu) cho biết, hiện tại Vato vẫn đang tập trung hoàn thiện hệ thống gọi xe, tiếp nhận đối tác/tài xế ở khu vực TPHCM và Hà Nội. Sắp tới, Vato cũng sẽ mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều tỉnh thành khác mà trước đó Vivu đã từng kết nối với các đối tác.

Trên ứng dụng Vato mới chỉ có dịch vụ gọi xe máy (VatoBike), ôtô (VatoCar)… giống như phần lớn ứng dụng gọi xe trong nước khác. Tuy nhiên, Vato cũng sẽ không dừng lại ở dịch vụ VatoBike), VatoCar/VatoCar+, Vato 7 chỗ… mà dự kiến sẽ mở rộng các mảng kinh doanh khác như giao nhận (có thể là VatoShip), taxi (VatoTaxi).

Đây cũng là một điểm chung của các ứng dụng gọi xe trong nước; họ thực sự không muốn cạnh tranh trực diện với Grab hoặc Go-Jek (nếu thực sự vào thị trường Việt Nam). Thay vì cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ gọi xe máy/ôtô, họ sẽ khai thác các dịch vụ giao nhận, đi xe chung, thuê xe du lịch… và tất cả các dịch vụ đều kết nối, được cung cấp thông qua một ứng dụng, tạo sự tiện lợi cho người dùng.

Một ứng dụng gọi xe hoàn toàn mới là Aber vừa đưa ra kế hoạch tuyển đối tác/tài xế từ đầu tháng 6-2018. Ảnh: Aber

Nhiều tên tuổi lạ với người dùng

Cũng từ khi Uber biến mất, hàng loạt ứng dụng gọi xe có tên gọi lạ hoắc xuất hiện trên kho ứng dụng Google Play (dành cho thiết bị di động Android) và iTunes Store (dành cho iPhone/iPad). Có những cái tên đối với người tiêu dùng gần như mới nghe lần đầu tiên như Zcar, Go Việt, Hana…

Ngoài ra, cũng có một số công ty nước ngoài có ý định phát triển kinh doanh ứng dụng gọi xe ở Việt Nam như Go-Jek (Indonesia), Didi Chuxing (Trung Quốc), MLV (Singapore)…

Do phần lớn ứng dụng gọi xe trong nước chủ yếu hoạt động ở khu vực Hà Nội nên có những người dùng sống ở Hà Nội biết tới ứng dụng T.Net hoặc Xelo nhưng ở TPHCM thì hầu như ít người biết tới hai ứng dụng gọi xe này. Do đó, khi người dùng đi du lịch/công tác ở Hà Nội, họ sẽ dùng dịch vụ gọi xe Grab hoặc Vato; đây cũng là hai ứng dụng được nhiều người biết tới.

Một ứng dụng trong nước khác là Go-ixe cũng đang hoạch định chiến lược kinh doanh trên diện rộng với nhiều tính năng yêu cầu khác nhau từ khách hàng như Go-Car (gọi ôtô), Go-Bike (gọi xe máy), Go-Taxi (gọi taxi), Go-Travel (gọi xe đi chung hoặc thuê xe du lịch). Quy mô hoạt động của Công ty TNHH công nghệ phần mềm (đơn vị khởi nghiệp) Go-ixe cũng có phần khác với một số công ty phát triển ứng dụng gọi xe; họ sớm bung sức mở các chi nhánh công ty tại khu vực miền Bắc, đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, khách hàng ở Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có thể gọi xe thông qua ứng dụng Go-ixe.

Một số ứng dụng gọi xe trong nước cũng đang hướng tới khai thác nhu cầu gọi xe ở các tỉnh thành khác; bao gồm các điểm du lịch phổ biến như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang… Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh này cần có sự chấp thuận từ cơ quan quản lý Nhà nước (cụ thể là Sở Giao thông Vận tải địa phương) nên hoạt động đầu tư này còn bị hạn chế.

Hiện nay, phần đông người tiêu dùng vẫn đang chọn ứng dụng Grab hoặc Vato khi cần di chuyển bằng các phương tiện xe máy (GrabBike/VatoBike) hoặc ôtô (GrabCar/VatoCar). Còn đối với một số ứng dụng gọi xe trong nước khác như T.Net, Go-ixe hoặc Xelo (Xế lô)… cho tới nay vẫn chưa được nhiều người biết (do chưa đẩy mạnh truyền thông). Còn các doanh nghiệp kinh doanh taxi tại Hà Nội và TPHCM dù đã phát triển ứng dụng gọi xe như V.Car, Taxi Mai Linh, Taxi Group... nhưng vẫn chưa đẩy mạnh mảng kinh doanh này.

Chí Thịnh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273350/ung-dung-goi-xe-trong-nuoc-dua-tranh-cung-grab.html