Ứng dụng điện toán đám mây trong quản lý và đào tạo

Điện toán đám mây (Cloud Computing) chưa hẳn là một công nghệ mới, nhưng những ứng dụng của nó là một cuộc cách mạng đang làm thay đổi bản chất của công nghệ thông tin và tác động mạnh đến mọi lĩnh vực trong đó có giáo dục.

Khoa CNTT tập huấn ứng dụng ĐTĐM và E-Learning cho giảng viên

Mô hình giáo dục truyền thống đang đứng trước cơ hội và thách thức chưa từng có là phải thay đổi. Sự bùng nổ các khóa học và làm việc trực tuyến, sử dụng các thiết bị điện tử như tablet, smartphone, máy tính nhúng,… trong các buổi họp, giảng dạy và học tập đã giúp người dạy và người học tiết kiệm thời gian và chi phí. Là trường đại học về kỹ thuật công nghệ, do đó trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long (VLUTE) đã ứng dụng điện toán đám mây trong các hoạt động quản lý và đào tạo

Nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm "điện toán đám mây" theo các góc độ tiếp cận khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập khái niệm về điện toán đám mây của Huỳnh Quyết Thắng: "điện toán đám mây là mô hình điện toán mà mọi giải pháp liên quan đến CNTT đều được cung cấp dưới dạng các dịch vụ qua mạng Internet, giải phóng người sử dụng khỏi việc phải đầu tư nhân lực, công nghệ và hạ tầng để triển khai hệ thống.

Hiệu trưởng – PGS.TS Cao Hùng Phi

Từ đó, điện toán đám mây giúp tối giản chi phí và thời gian triển khai, tạo điều kiện cho người sử dụng nền tảng ĐTĐM tập trung được tối đa nguồn lực vào công việc chuyên môn". Theo Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia của Mỹ (NIST) đã định nghĩa: Điện toán đám mây là mô hình điện toán cho phép truy cập qua mạng để lựa chọn và sử dụng tài nguyên tính toán (ví dụ: mạng, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng và dịch vụ) theo nhu cầu một cách thuận tiện và nhanh chóng; đồng thời cho phép kết thúc sử dụng dịch vụ, giải phóng tài nguyên dễ dàng với nhà cung cấp.

Là trường đại học nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là một trong số ít trường tiên phong ứng dụng điện toán đám mây trong đào tạo như phòng máy tính thực hành di động, phòng máy tính mô phỏng, đào tạo trực tuyến E-learning,…

Giảng viên dạy trực tuyến với phòng máy ảo trên nền VLUTE-Cloud

Theo TS. Phan Anh Cang, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, đơn vị được giao xây dựng và triển khai các ứng dụng trên nền tảng đám mây riêng VLUTE-Cloud cho biết: VLUTE đã xây dựng thành công mô hình dịch vụ điện toán đám mây riêng giải quyết tốt bài toán về việc cấp phát tài nguyên xử lý dữ liệu lớn (phần cứng và phần mềm), quản trị mạng máy tính, phân bổ không gian lưu trữ một cách thuận tiện. Dịch vụ điện toán đám mây thực hiện theo các mô hình dịch vụ khác nhau như nền tảng như một dịch vụ (PaaS), lưu trữ như một dịch vụ hoặc phần mềm như một dịch vụ (SaaS), cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS). SaaS được sử dụng trong các đám mây riêng để cung cấp các phần mềm hỗ trợ cho người học khai thác các phần mềm chuyên ngành đắt tiền khó tìm trên mạng.

Nó không chỉ cung cấp cho họ những phần mềm chất lượng mà còn giải phóng người học khỏi gánh nặng chi phí bản quyền phần mềm, các máy tính cấu hình mạnh,... IaaS và PaaS được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng của sinh viên, giảng viên, người nghiên cứu với một số cấu hình phần cứng cụ thể cho các nhiệm vụ cụ thể. Sử dụng hệ thống đăng nhập đơn giản, sinh viên, các học giả nghiên cứu, giáo viên dễ dàng đưa ra yêu cầu và có thể sử dụng cơ sở hạ tầng hiện đại về CNTT. TS.Cang chia sẻ.

Phòng máy tính ảo trên nền điện toán đám mây riêng VLUTE-Cloud

Vì thế mạnh của điện toán đám mây là mô hình dịch vụ lưu trữ thông tin quy mô lớn, dữ liệu có liên quan với công việc nghiên cứu khác nhau, dự án hoặc thông tin có thể tái sử dụng, có thể được giao cho các đám mây lưu trữ quản lý và có thể được truy cập theo yêu cầu. Trường có thể hợp tác với các cơ sở giáo dục khác để xây dựng một kho lưu trữ thông tin (thư viện số, học liệu, công trình nghiên cứu khoa học,…) theo mô hình lưu trữ tập trung ảo nhằm giảm chi phí lưu trữ để duy trì kho dữ liệu giáo dục.

Với ưu điểm, giảm chi phí Công nghệ thông tin đồng thời tạo ra một môi trường hợp tác hiện đại, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục có thể thấy rõ ràng một số lợi ích quan trọng do việc ứng dụng điện toán đám mây đem lại. Hiện đại hóa quá trình học tập và giới thiệu các công nghệ mới nhất trong lớp học khuyến khích người học phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết để đạt được mục tiêu học tập chuyên nghiệp của họ.

Giảng viên VLUTE làm chủ công nghệ trong giảng dạy

Cùng với các hình thức triển khai công nghệ khác, đám mây có thể tăng đáng kể cơ hội học tập cho người học và góp phần trang bị cho các thế hệ tương lai những kỹ năng và năng lực cần thiết cho sự tiến bộ nghề nghiệp quốc tế. Ngày nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đều được kết nối mạng internet tốc độ cao với nhau. Vì vậy, nếu tập trung các cơ sở hạ tầng điện toán đám mây sẽ có thể đáp ứng nhu cầu của những viện nghiên cứu.

Nó sẽ tạo ra một nền tảng chung để triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng tạo môi trường làm việc, hợp tác, chia sẻ giữa nhà trường, giảng viên, sinh viên và phụ huynh. Điện toán đám mây sẽ giúp sinh viên thu được các kỹ năng thế kỷ 21 mà họ cần để cạnh tranh và thành công.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ung-dung-dien-toan-dam-may-trong-quan-ly-va-dao-tao-20200424131632593.htm