Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp

Tiết kiệm nước, giảm chi phí, nhân công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản... là những ưu điểm của công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng vào sản xuất.

Nông dân Trần Thanh Nhã (xã Vĩnh An, Châu Thành) cho biết, anh đang trồng 30 công cam sành, quýt đường và quýt hồng. Hiện, vườn cam sành với diện tích 14 công gần 5 năm tuổi đã bắt đầu thu hoạch với năng suất đạt khoảng 7-8 tấn trái/công, bán cho thương lái giá từ 6.000-13.000 đồng/kg ngay tại vườn. Còn lại là vườn cam sành trồng xen quýt hồng và quýt đường đã hơn 1 năm tuổi, dự kiến sẽ thu hoạch vụ trái đầu tiên vào tháng 2 (âm lịch). Do diện tích quá lớn, nên ngay từ đầu anh đã trang bị hệ thống tưới phun tự động cho vườn cây ăn trái của mình.

Theo anh Nhã, việc ứng dụng các công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất giúp giảm chi phí nhân công do không phải thuê lao động tưới nước. Hệ thống tưới phun sẽ giúp cây rửa được sương muối, phòng tránh được tình trạng táp lá, cháy lá và luôn cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với diện tích cây đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, hệ thống tưới phun sương sẽ tránh được tình trạng rụng trái và nám trái, góp phần tăng năng suất và chất lượng trái khi thu hoạch. Cũng giống như anh Nhã, với diện tích 10ha sầu riêng, nông dân Võ Văn Em (xã Long Kiến, Chợ Mới) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên toàn bộ diện tích vườn của mình. Theo ông Em, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, nước và các loại phân bón dạng nước thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng được đưa thẳng vào bộ rễ. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Mặt khác, trồng sầu riêng bằng công nghệ tưới nhỏ giọt vừa nhẹ công chăm sóc, vừa tiết kiệm khoảng 50% chi phí và nhân công lao động.

Nông dân Hồ Thanh Tuấn (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) đang canh tác dưa lưới trong nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Theo anh Tuấn, trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao, mỗi cây được trồng trong 1 bịch giá thể sẽ cho ra 1 trái duy nhất. Do trái dưa lưới được trồng trong nhà màng và đặt trong luống lót bạt nhựa, cách ly với nền đất nên tránh được mầm bệnh xâm nhập và ứng phó tốt với tình hình thời tiết, nhất là lúc thời tiết thay đổi bất thường. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên dẫn nước đến tận gốc, không làm thất thoát và bốc hơi nguồn nước. Đáng kể hơn, tưới nhỏ giọt tránh tình trạng xói mòn đất, giảm bệnh thối rễ, giúp cây không bị cháy lá, mọc chồi khỏe hơn. Hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động đã tiết kiệm lượng nước và phân bón rất lớn cũng như chi phí nhân công lao động. Chỉ cần chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, dưa lưới sẽ phát triển rất tốt. Sau hơn 70 ngày trồng, trung bình mỗi nhà màng 1.000m2 sẽ thu hoạch khoảng 3-3,5 tấn trái với trọng lượng từ 1-1,2kg/trái.

Còn tại vùng chuyên trồng rau màu xã Kiến An (Chợ Mới), hầu hết người dân ở đây đã đưa công nghệ tưới phun bán tự động vào trong canh tác mang lại nhiều lợi ích không kém các vườn cây ăn trái. Đang canh tác 3,5 công rau màu, anh Tú cho biết, trồng rau màu cực nhất là khâu tưới nước, tùy từng rau mà cách tưới khác nhau. Người nào trồng với diện tích lớn thì tưới nước là cả một vấn đề, nhưng giờ thì dễ dàng hơn rất nhiều. Để tưới cho khoảng 3,5 công rau màu thay vì phải mất vài giờ như lúc trước thì bây giờ chỉ cần 15-20 phút. Cách đó không xa, cô Thúy Nhỏ đang tưới rau màu cho biết, với hệ thống tưới phun, dòng nước không quá mạnh cũng không quá yếu, hạt nước nhỏ, mịn, nhẹ nhàng và đều cây từ lá đến thân và gốc. Không gây hư phấn của rau màu, làm sạch bụi bẩn trên bề mặt lá, hạn chế sâu bệnh gây hại, giúp cây sinh trưởng tốt. Mặt khác, có thể kiểm soát được lượng phân bón, vừa tránh thất thoát lại tăng năng suất, chất lượng rau màu.

Từ thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí nhân công lao động. Hơn nữa, tiết kiệm lượng nước so với phương thức tưới truyền thống, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nhờ giảm lượng phân bón trong quá trình canh tác. Đây được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng và là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp thời đại công nghệ.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-dung-cong-nghe-tuoi-tien-tien-trong-san-xuat-nong-nghiep-a294121.html