Ứng dụng công nghệ trong sáng tạo nghệ thuật

Ðối với một số văn nghệ sĩ, hoạt động sáng tạo nghệ thuật dường như tách rời khỏi lĩnh vực công nghệ nói riêng, và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nói chung. Quan niệm này đang là một nguyên nhân quan trọng khiến cho nghệ thuật trở nên xa rời thực tiễn cuộc sống, mất dần sức hút với khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Ðối với một số văn nghệ sĩ, hoạt động sáng tạo nghệ thuật dường như tách rời khỏi lĩnh vực công nghệ nói riêng, và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nói chung. Quan niệm này đang là một nguyên nhân quan trọng khiến cho nghệ thuật trở nên xa rời thực tiễn cuộc sống, mất dần sức hút với khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Không thể phủ nhận rằng thời gian qua, các thành tựu của khoa học và công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tác động đó là tất yếu, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi văn nghệ sĩ phải điều chỉnh tư duy, cách thức sáng tạo. Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến phủ nhận sự tác động này, coi lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có đặc thù riêng do cá tính sáng tạo của nghệ sĩ mang tính đặc thù, độc đáo cho nên nằm ngoài quy luật tác động của khoa học, công nghệ. Vậy trên thực tế, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống văn học, nghệ thuật (VHNT)?

Có thể thấy, từ khi xuất hiện, kỹ thuật số đã tác động mạnh mẽ và làm biến đổi quá trình sáng tạo VHNT, nhất là tạo ra sự thay đổi về mối tương tác nhiều chiều trong chuỗi tác động qua lại giữa người sáng tạo - tác phẩm - người thưởng thức. Một thí dụ đơn giản minh chứng cho điều này là nếu trước đây độc giả chỉ có thể đọc tác phẩm văn học qua các bản in truyền thống thì hiện nay họ có thể thưởng thức tác phẩm qua sách điện tử (ebook), sách nói (audio book); nhà văn có thể tự công bố tác phẩm của mình trên mạng xã hội, và độc giả có thể kết nối dễ dàng với nhà văn mà mình ưa thích. Hay sự ra đời các chương trình "nhà hát truyền hình" giúp công chúng có điều kiện thưởng thức các loại hình sân khấu truyền thống một các thuận tiện. Hoặc các chương trình truyền hình trực tiếp lại giúp khán giả có thể thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại bất cứ địa điểm nào mà không cần phải đến tận nơi. Tương tự là các kỹ xảo điện ảnh hoàn toàn có thể được thực hiện trên máy tính một cách dễ dàng, thay vì sử dụng phương pháp thủ công như trước.

Thành tựu công nghệ kỹ thuật số đã đem lại nhiều thuận lợi cho nghệ sĩ và công chúng trong sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật, đồng thời cũng đòi hỏi nghệ sĩ phải tiếp cận, thích ứng để tồn tại, phát triển. Trong khi đó, bản thân quá trình tiếp nhận nghệ thuật của công chúng cũng đã có sự thay đổi, với những tiêu chí, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, nhất là trong bối cảnh các phương tiện nghe nhìn cũng như các loại hình giải trí rất phát triển. Như trong lĩnh vực sân khấu, ngày nay khán giả khó bị hấp dẫn với những cảnh trí sân khấu cồng kềnh, tốn nhiều thời gian chuyển cảnh. Hệ thống âm thanh, chiếu sáng cũ, lạc hậu sẽ khiến vở diễn trở nên thiếu sinh khí. Khán giả mong muốn trên sân khấu có sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật cùng sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật hiện đại giúp nâng cao hiệu quả của sản phẩm nghệ thuật. Vì thế, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức mới của công chúng cũng đồng nghĩa với việc nhà hát mất khán giả, doanh thu sụt giảm, động lực phát triển từ đó dễ suy yếu.

Ðặc trưng của VHNT là đề cao sáng tạo cá nhân, những khác biệt trong tư duy nghệ thuật. Tuy nhiên, trong các loại hình VHNT thì sân khấu đòi hỏi hình thức nghệ thuật biểu diễn mang tính tổng hợp, do đó chịu áp lực lớn nhất trong cách thức tái hiện và trình bày không gian, thời gian. Hầu như mọi khuynh hướng sân khấu đều gắn với cách thức xử lý vấn đề này. Theo đánh giá của các chuyên gia sân khấu như GS, TS, NSND Ðình Quang, NSƯT Trần Minh Ngọc... dù có rất nhiều trường phái sân khấu, nhưng có thể quy về hai xu hướng cơ bản: thể hiện không gian, thời gian theo xu hướng tái tạo hiện thực (sử dụng trang trí gây ảo giác thực, diễn xuất gần với tự nhiên, tác động trực tiếp vào cảm quan người xem), và xu hướng thể hiện không gian, thời gian theo hướng thẩm mỹ (sử dụng trang trí ước lệ, có tính ẩn dụ, tượng trưng, gây hiệu quả đến cảm quan người xem bằng sức liên tưởng, gợi hình ảnh, suy nghĩ). Như vậy có thể thấy thách thức với nhiều đạo diễn sân khấu là do điều kiện vật chất hạn chế cho nên không đáp ứng được những ý tưởng bay bổng của họ trong xử lý không gian, thời gian. Một thủ pháp từng được ca ngợi của sân khấu truyền thống là biến không gian, thời gian vốn không thể mở rộng vô hạn vì sự hạn hẹp của sàn diễn bằng cách biến đổi ý nghĩa sàn diễn. Và theo đó, không gian sàn diễn sẽ không còn bị bó hẹp mà mang ý nghĩa ước lệ, giả định... Nhưng trước những đòi hỏi ngày càng cao của công chúng, cách thức truyền thống này dường như không còn đủ sức thuyết phục. Khán giả thời hiện đại có những yêu cầu khắt khe hơn về kỹ thuật biểu diễn, sự dụng công trong thiết kế sân khấu và kết hợp ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh hiệu quả về thị giác. Do đó, có thể nói yêu cầu áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật số vào sáng tạo sân khấu trở thành yêu cầu mang tính cấp bách, bắt buộc.

Nắm bắt được xu thế mới trong nhu cầu thưởng thức của công chúng, từ sự dè dặt ban đầu, đến nay có khá nhiều đơn vị nghệ thuật đã ứng dụng hiệu quả các thành tựu mới của khoa học, công nghệ vào lĩnh vực sân khấu ở các công đoạn: âm thanh, ánh sáng, hình ảnh... Phổ biến nhất là sự xuất hiện của những màn hình LED (màn hình phẳng phát sáng có thể hiển thị hình ảnh, vi-đê-ô) tại nhiều sân khấu lớn nhỏ. Sự ưa chuộng này được lý giải bởi màn hình LED có khả năng đổi cảnh nhanh chóng, mầu sắc rực rỡ, tinh tế, có thể đáp ứng được yêu cầu cần nhiều chiếc phông hậu, đáp ứng được ý tưởng nghệ thuật của đạo diễn. Bên cạnh đó, quá trình diễn xuất, diễn viên có sự tương tác ăn ý với những tình huống xuất hiện trên màn hình sẽ tạo ra sự hấp dẫn với khán giả. Gần đây nhất, vở kịch múa Mỵ của Ðoàn ca múa nhạc Việt Bắc với trang trí giàu tính ước lệ, nhưng tạo ấn tượng bằng việc khai thác những chi tiết mang tính biểu tượng cao, phối hợp với màn hình LED, kết hợp ánh sáng, âm nhạc và các động tác múa điêu luyện khiến mỗi cảnh diễn như bức tranh sống động, tràn đầy cảm xúc. Trước đó, chương trình Ionah show với sự kết hợp tinh tế của nhiều loại hình nghệ thuật như: kịch, xiếc, múa, hip-hop, sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại đã mang lại hiệu quả thẩm mỹ khá ấn tượng, cho khán giả. Người xem không ngớt trầm trồ trước các biểu cảm của diễn viên ở mỗi trường đoạn, phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý với cảnh thiết kế điện tử. Hay chương trình hầu đồng Tứ phủ của nhóm xã hội hóa do đạo diễn Việt Tú khai thác sở dĩ đứng vững được nhiều năm qua tại Hà Nội cũng nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ như âm thanh, ánh sáng. Tận dụng "món quà" quý giá từ các tiến bộ khoa học, công nghệ, hiện nay nhiều nhà hát cải lương phía bắc cũng đã chú trọng tới việc kết hợp hình ảnh, ánh sáng phụ trợ cho nghệ sĩ trong quá trình biểu diễn, từng bước đáp ứng nhu cầu nghe - nhìn đa dạng của công chúng. Tiêu biểu có thể kể đến những vở được đầu tư lớn như Hừng đông, Mai Hắc Ðế,... của Nhà hát cải lương Việt Nam. Nhờ sử dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ mà vở diễn thể hiện được những cảnh diễn mà trước đây phải đẩy vào hậu trường bởi không đủ không gian để diễn tả trên sân khấu chính. Hoặc Nhà hát cải lương Hà Nội cũng từng thực hiện thành công dự án không làm ngắt quãng thời gian cảm thụ của khán giả trong khi thay cảnh bằng cách để diễn viên thể hiện vở diễn liền mạch với sự hỗ trợ của màn hình LED như một phông sân khấu động.

Những dự án, chương trình nêu trên đều đòi hỏi sự đầu tư công phu và ứng dụng hiệu quả giữa công nghệ với sàn diễn. Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, việc sử dụng tác phẩm điện ảnh hoặc các phân cảnh của công nghệ điện ảnh vào sàn diễn đã có đạo diễn thực hiện thành công, tuy nhiên để sự phối hợp đạt tới độ nhuần nhuyễn, tinh tế, tạo hiệu quả thẩm mỹ đặc sắc thì phải chờ tới khi có được sự cộng hưởng của các thiết bị công nghệ cao, âm thanh lập thể. Tuy vậy, mặt trái của công nghệ đối với hoạt động biểu diễn cũng không khó để nhìn ra. Việc áp dụng công nghệ nhằm đổi mới sàn diễn, nếu quá lạm dụng hoặc quá nôn nóng, vội vã rất dễ biến sân khấu thành "nồi lẩu" thập cẩm, không còn là hình thức sân khấu đầy bí ẩn và hấp dẫn đối với công chúng. Xét cho cùng, tính duy nhất, độc đáo của mỗi đêm diễn, trước hết phải thể hiện bằng chính sự tương tác giữa người diễn và người xem cũng như những sáng tạo ngẫu hứng, thăng hoa của tập thể nghệ sĩ... Thực tế đã có không ít chương trình dù được quảng cáo là dùng tới cả tấn đạo cụ, nghệ sĩ sử dụng tới hàng trăm bộ trang phục được lắp thiết bị tạo hiệu ứng đặc biệt, sân khấu được làm mưa nhân tạo tạo cảm giác như thật... nhưng vẫn không thuyết phục được khán giả, thậm chí bị đánh giá thấp về chất lượng nghệ thuật cũng như sự phô trương. Do đó cả hai thái cực: lạm dụng thái quá hay tẩy chay công nghệ ở một bộ phận nghệ sĩ đều có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Dẫu thế nào thì vẫn cần thấy rằng, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ cho nghệ sĩ. Quan trọng nhất của lao động sáng tạo luôn phụ thuộc vào từng cá nhân, đòi hỏi những nỗ lực tìm tòi, học hỏi để không ngừng đổi mới tư duy, nắm bắt kịp thời nhu cầu của công chúng. Quá trình này không chấp nhận tâm lý tự mãn, bằng lòng với bản thân, nhất là sau khi đạt được một số thành quả nhất định. Tự lặp lại mình, thiếu sáng tạo và đổi mới sẽ là lực cản vô hình cho sự phát triển của cá nhân nghệ sĩ nói riêng và của hoạt động sáng tạo VHNT nói chung.

CAO NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38116302-ung-dung-cong-nghe-trong-sang-tao-nghe-thuat.html