Ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận tải thủy nội địa tăng trưởng mạnh

Sản lượng vận tải thủy nội địa trong năm 2018 đạt hơn 195 triệu khách, tăng hơn 13% còn vận tải hàng hóa đạt hơn 288 triệu tấn, tăng hơn 15% so với năm 2017. Để đạt được những con số này, Cục đường thủy nội địa (Bộ GTVT) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chuyên ngành.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa cho biết, năm 2018 ngành đường thủy đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, sản lượng vận tải đạt hơn 195 triệu khách, tăng hơn 13% so với năm trước; vận tải hàng hóa đạt hơn 288 triệu tấn, tăng hơn 15%.

Tai nạn đường thủy năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp giảm sâu về số vụ, người bị thương (cả năm xảy ra 83 vụ, làm 46 người chết, 6 người bị thương; giảm hơn 16% số vụ, tăng 2% người chết và giảm 62% người bị thương).

“Để đạt được những kết quả này, Cục Đường thủy nội địa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành lĩnh vực đường thủy nội địa thông qua việc xây dựng và triển khai các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu”, ông Hoàng Hồng Giang cho biết.

Có thể kể đến như, Cục Đường thủy nội địa đã xây dựng cơ sở dữ liệu cho hơn 18.000 phao báo hiệu đường thủy nội địa lên bản đồ số để phục vụ công tác quản lý, thống kê báo cáo. Ứng dụng công nghệ định vị GPS lắp đặt trên hơn 4.500 phao báo tự động cập nhật vị trí, tình trạng đèn báo hiệu phục vụ quản lý.

Xây dựng triển khai cơ sở dữ liệu danh bạ cảng bến thủy nội địa trên toàn quốc, với 251 cảng và hơn 5.000 bến thủy nội địa do trung ương quản lý, chiếm hơn 94% đưa lên Cổng TTĐT của Bộ GTVT, công khai cho người dân và doanh nghiệp giúp cho việc quản lý vị trí, thông tin cảng bến, công nghệ bốc xếp, khối lượng và chủng loại hàng hóa thông qua dễ dàng. Hệ thống này cũng giúp cho việc báo cáo thống kê lượng hàng hóa thông qua, lượt phương tiện thông qua chính xác, hiệu quả.

“Chúng tôi cũng đưa vào sử dụng 50 trạm đo mực nước trực tuyến tự động thay thế dần phương pháp thủ công gửi dữ liệu về trung tâm và cung cấp số liệu trên Cổng TTĐT của Cục Đường thủy nội địa để phục vụ người dân, doanh nghiệp”, ông Hoàng Hồng Giang cho hay.

Đặc biệt, Cục Đường thủy nội địa cũng ứng dụng phần mềm quản lý cấp phép phương tiện ra vào cảng bến triển khai tại 4 cảng vụ trung ương và 2 cảng vụ địa phương, cùng với việc đưa vào sử dụng hệ thống nhắn tin làm thủ tục rất tiện lợi và hiệu quả.

Về công tác cải cách hành chính, Cục Đường thủy đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đào tạo và dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, Cục Đường thủy đã đưa toàn bộ 64 thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Ghi nhận những kết quả này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, mới vài năm trước, Cục Đường thủy nội địa từ con số không, đến nay đã cung cấp dịch vụ trực tuyến, sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng đèn báo hiệu, định vị phao bằng GPS, đo đếm mực nước tự động, cấp phép phương tiện ra, vào cảng bến bằng tin nhắn… là nỗ lực rất lớn của cả ngành.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng còn nhiều việc lớn, quan trọng mà Cục Đường thủy nội địa cần chú ý như các dự án đầu tư hạ tầng lớn phải kể đến Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (Dự án WB5), Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) ở phía Nam và phía Bắc đã hoàn thành.

“Nguồn vốn dành cho bảo trì đường thủy vài năm gần đây đã tăng 10-15%, nghĩa là hạ tầng đường thủy được quan tâm đầu tư, nhằm tạo ra các trục vận tải lớn để gom hàng xuống đường thủy, giảm tải cho đường thủy. Nhưng đến thời điểm này, các dự án có đạt được mục tiêu không, tình hình thế nào, có tạo ra các trục vận tải huyết mạch không, có hiệu quả không?”, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhắc nhở Cục Đường thủy nội địa về việc “Cục Đường thủy nội địa VN không thể chỉ lo chuyện của đường thủy mà còn phải tính đến kết nối từ cảng, bến với đường bộ, với lĩnh vực giao thông khác nữa thì mới kéo giảm được chi phí logistics cho cả nền kinh tế”.

Bộ trưởng cũng gợi ý, Cục Đường thủy nội địa phải là đơn vị kiên trì đề xuất các cơ chế, chính sách sáng tạo để phát triển doanh nghiệp, đội tàu, hạ tầng và vận tải để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Năm 2018 Cục báo cáo là hoàn thành 100% văn bản quy phạm pháp luật, nhưng sao chưa có cơ chế nào tạo đột phá đội tàu, vận tải. Lĩnh vực đường thủy có cần cơ chế như Nghị định 67 của ngành nông nghiệp để phát triển đội tàu cá không? Trong giai đoạn 2020-2025 đường thủy sẽ có kế hoạch phát triển thế nào, tập trung vào việc gì?”, Bộ trưởng nói, bày tỏ kỳ vọng đội ngũ những người làm ngành đường thủy thường xuyên trăn trở, suy nghĩ để góp sức phát triển vận tải thủy.

Đề cập những hạn chế khác của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị đội ngũ cán bộ chủ chốt của đơn vị này tăng cường đoàn kết nội bộ, công khai, minh bạch vì sự phát triển chung của ngành.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-cong-nghe-trong-quan-ly-van-tai-thuy-noi-dia-tang-truong-manh/357093.vgp