Ứng dụng công nghệ trong giám định ADN hài cốt liệt sĩ

Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công công nghệ phân tích ADN các mẫu hài cốt.

Cán bộ giám định tách chiết DNA từ mẫu hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TRẦN QUANG

Cán bộ giám định tách chiết DNA từ mẫu hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TRẦN QUANG

Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công công nghệ phân tích ADN các mẫu hài cốt.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Viện Công nghệ sinh học được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ. Công nghệ giám định cũng đã được chuyển giao hai đơn vị giám định khác là Viện Pháp y Quân đội và Viện Khoa học hình sự để cùng tiến hành giám định, góp phần thực hiện Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

ỪA qua, Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ trong giám định ADN hài cốt liệt sĩ tại nước ta. Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa giám định ADN trở thành một khâu bắt buộc trong quy trình định danh liệt sĩ và đã cho phép Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng ba trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ. Trung tâm đặt tại Viện Công nghệ sinh học được trang bị các thiết bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, hệ thống server lưu trữ và phân tích dữ liệu… Bên cạnh đó, Viện Công nghệ sinh học đã cử sáu cán bộ giám định đi đào tạo tại Tổ chức Quốc tế tìm kiếm người mất tích (ICMP) tại Liên bang Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na, và các phòng thí nghiệm tại Hăm-buốc (Ðức). Các cán bộ giám định của trung tâm cũng đã được tham gia các chương trình đào tạo kéo dài trong hai năm do các chuyên gia đầu ngành về di truyền hình sự của Mỹ tới Việt Nam giảng dạy.

Ðại diện Viện Công nghệ sinh học cho biết, quy trình giám định ADN hài cốt liệt sĩ gồm các bước cơ bản, như: Thu nhận mẫu của hài cốt cần xác định danh tính; thu nhận thông tin về liệt sĩ; thu nhận mẫu máu của thân nhân giả định; tách chiết ADN của các mẫu hài cốt và mẫu máu; nhân dòng ADN ty thể; đọc trình tự nucleotide các đoạn ADN nhân bản được; lưu giữ thông tin về trình tự nucleotide và so sánh bằng phần mềm chuyên dụng để xác định mối liên quan phả hệ. Trong trường hợp kết quả chưa thỏa đáng thì tiến hành phân tích thêm ADN nhân để có kết luận chính xác. Khó khăn lớn nhất trong quá trình giám định ADN là hầu hết các mẫu hài cốt đã mục nát dưới tác động của điều kiện tự nhiên nóng ẩm, khiến các mẫu ADN tách chiết được có số lượng ít, chất lượng kém hoặc mẫu ADN bị đứt gãy mạnh, lẫn với ADN của vi sinh vật và các chất ức chế ảnh hưởng quá trình nhân bản gien.

Ðể giải bài toán này, sau một thời gian thử nghiệm, các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học quyết định sử dụng phương pháp xác định gien ty
thể làm chìa khóa so sánh. Gien ty thể được ưu tiên lấy từ các mẫu răng, xương ống (liệt sĩ thường hy sinh lúc trẻ tuổi; răng, xương ống hầu như còn nguyên vẹn sau vài chục năm chôn cất). Ðến nay, có những mẫu răng của liệt sĩ hy sinh từ những năm 40 của thế kỷ trước, qua 70 năm chôn cất vẫn giám định được. Ðối với mẫu thân nhân giả định gien ty thể được xác định thông qua mẫu máu. Bên cạnh đó, do thời gian đã lâu, ADN trong nhân tế bào bị phân hủy, các nhà nghiên cứu đã xác định, cách duy nhất cho phép giám định gien của hài cốt lâu năm là tách chiết ADN ty thể đối với tế bào xương, răng vì ADN ty thể mạch vòng, có hàng trăm bản trong mỗi tế bào và khá bền vững với thời gian. Các nhà nghiên cứu đã có những cải tiến kỹ thuật để bảo đảm sự ổn định của ADN ty thể được tách chiết phục vụ nhân dòng và phân tích trình tự.

Từ năm 2011 đến năm 2015, viện định danh được trung bình 400 mẫu hài cốt liệt sĩ/năm. Kinh phí giám định do nguồn ngân sách nhà nước và huy động các tổ chức xã hội, không thu phí của các thân nhân liệt sĩ. Hiện nay, năng lực giám định của trung tâm đạt 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ/năm. Số liệu thống kê cho thấy, hiện, Việt Nam có khoảng 500 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được định danh. Với năng lực giám định hiện nay, kỳ vọng sẽ định danh nhanh các bộ hài cốt của liệt sĩ chưa biết tên.

Mặc dù công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng vẫn đang gặp nhiều thách thức. Ðó là làm sao thu nhận được ADN đạt yêu cầu của các công nghệ phân tích hiện có, khi các mẫu hài cốt tính tới thời điểm hiện tại đều có độ tuổi từ 40 đến 100 năm. Hiện tại, không có một bộ hóa chất và quy trình nào trên thị trường phù hợp các mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam do các mẫu có đặc điểm, tính chất và chất lượng khác biệt. Ðiều này đòi hỏi Trung tâm Giám định ADN luôn phải nghiên cứu và phát triển các quy trình khác nhau để phù hợp các loại mẫu khác nhau và tiếp cận trình độ nghiên cứu mới. Ngoài ra, do chất lượng mẫu không ngừng giảm sút; quy trình lấy mẫu phải theo quy chuẩn; việc khai quật hài cốt cần phù hợp văn hóa vùng miền, tâm tư, tình cảm của thân nhân liệt sĩ. Do đó cần có những cơ chế đặc thù cho hoạt động khó khăn, vất vả này.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/41011402-ung-dung-cong-nghe-trong-giam-dinh-adn-hai-cot-liet-si.html