Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phòng, chống thiên tai

Những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, sạt lở… diễn ra khốc liệt. Vì vậy, việc tìm giải pháp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đang được xã hội đặc biệt quan tâm và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai được xem là giải pháp tối ưu hiện nay.

Nhiều công nghệ chưa đạt độ chính xác cao

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018 thiên tai xảy ra tại nhiều vùng, miền trên cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018 so với năm 2017 (386 người chết, mất tích, gây thiệt hại kinh tế tới 60.000 tỷ đồng) đã giảm đáng kể.

Theo ông Nguyễn Đình Công, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Hậu quả của thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm tới, Việt Nam có nhiều nguy cơ đối mặt với rủi ro thiên tai, thiệt hại dự báo chiếm 2,7% GDP và 39 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mỗi năm.

 Rào chắn đá rơi sử dụng lưới thép cường độ cao công nghệ Thụy Sĩ được lắp đặt tại Quốc lộ 6, thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.

Rào chắn đá rơi sử dụng lưới thép cường độ cao công nghệ Thụy Sĩ được lắp đặt tại Quốc lộ 6, thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.

Hiện nay, Việt Nam đang ứng dụng nhiều công nghệ trong dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, như: Bản đồ số dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, trượt lở, lũ quét; hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh; hệ thống chống đá rơi, sạt lở… Tuy nhiên, những công nghệ này được các chuyên gia đánh giá còn nhiều hạn chế, khiến việc dự báo, cảnh báo chưa đạt độ chính xác cao. Đơn cử, bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay có phạm vi quá rộng, chưa chi tiết các điểm xã, thôn, bản; chưa cảnh báo được theo thời gian thực. Mặt khác, hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn dựa trên dữ liệu mưa, mực nước sông, suối, không phù hợp với loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ bùn đá ở vùng sinh lũ. Thêm vào đó, BĐKH làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và trái quy luật…

Lựa chọn công nghệ phải phù hợp

Theo ông Nguyễn Đình Công, những năm qua, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến của nhiều nước trên thế giới vào Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai đã cho những kết quả tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lựa chọn công nghệ sao cho phù hợp với địa hình của Việt Nam để có thể dự báo, phòng ngừa đạt độ chính xác cao cũng như giá thành không quá đắt. Vì vậy, rất cần đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư trình độ cao có khả năng thẩm định được các loại công nghệ trên thế giới.

Các chuyên gia đề xuất tiếp tục đồng bộ hóa việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và truyền tin các loại số liệu đo đạc tự động với số liệu vệ tinh, ra-đa thời tiết; tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số; ứng dụng, tiếp cận các công nghệ dự báo khí tượng thủy văn hiện đại thông qua hợp tác với các quốc gia có nền khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn phát triển.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai ứng dụng hệ thống lưới thép cường độ cao chống ăn mòn sử dụng công nghệ của Thụy Sĩ để bảo vệ bờ dốc và chống lũ quét tại tỉnh Hòa Bình và Quảng Ninh. Theo ông Nguyễn Chí Hậu, kỹ sư xây dựng Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại Việt Nam (VITRAVICO), đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm này cho biết, hệ thống được ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2016 trong việc xây hàng rào chắn đá rơi, mô hình ổn định mái dốc, hệ thống rào chống sạt trượt. So với các hệ thống khác tại Việt Nam, hệ thống này có nhiều ưu điểm nổi trội là dễ thi công, lắp đặt, độ bền và chịu lực cao (cứng gấp 4 lần so với lưới thép thông thường), không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: Hệ thống lưới thép cường độ cao là giải pháp hiệu quả trong bảo vệ bờ dốc và chống lũ quét. Đơn cử như tại Quốc lộ 6 thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình có nhiều đoạn thường xuyên xảy ra hiện tượng đá rơi, đá lở do tác động của thời tiết. Sau khi triển khai lắp đặt hàng rào chống đá rơi sử dụng lưới thép cường độ cao đã giải quyết thành công hiện tượng này. “Đối với những hệ thống sử dụng công nghệ mới vừa bảo đảm được yếu tố kỹ thuật, phù hợp với địa hình, giá thành hợp lý như trên thì chúng tôi luôn ủng hộ và tích cực nhân rộng để phòng, chống thiên tai hiệu quả”, ông Nguyễn Trung Sỹ cho biết.

Bài và ảnh: DUY MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ung-dung-cong-nghe-tien-tien-trong-phong-chong-thien-tai-573587