Ứng dụng công nghệ, thu hút người giỏi để phát triển bền vững

Là một trong 3 nhà máy đầu tiên của ngành quân giới, nay là ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP), trải qua 65 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Nhà máy Z117 đã có sức vươn mạnh mẽ. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Nhà máy Z117 cho biết, để phát triển bền vững, nhà máy đã tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại, khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật và thu hút người giỏi...

Đại tá Đặng Hồng Sơn.

Đại tá Đặng Hồng Sơn.

Phóng viên (PV): Là một trong những “cái nôi” của ngành quân giới, đồng chí có thể phác thảo đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của nhà máy trong 65 năm qua?

Đại tá Đặng Hồng Sơn: Nhà máy Z117 được thành lập ngày 19-5-1956, tiền thân là Xưởng Quân cụ X10. Qua 65 năm hình thành và phát triển, Z117 luôn xứng đáng là một trong những nhà máy đầu đàn của ngành quân giới trước đây và ngành CNQP hiện nay. Nhà máy hiện biên chế thành 3 xí nghiệp, 2 xưởng và 11 phòng ban, trong đó đội ngũ thợ bậc 6 và bậc 7/7 chiếm tỷ lệ hơn 40%, 135 cán bộ, nhân viên có trình độ đại học trở lên và hàng trăm công nhân kỹ thuật lành nghề.

Với những thành tích đã đạt được, Z117 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng hơn 20 huân, huy chương các loại, tiêu biểu là danh hiệu Anh hùng Lao động (2005), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2014), Huân chương Lao động hạng Nhất (2010). Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, Nhà máy Z117 đã được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất...

PV: Thưa đồng chí, để trở thành thương hiệu uy tín trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kinh tế-quốc phòng, đâu là nền tảng để Z117 bứt phá phát triển?

Đại tá Đặng Hồng Sơn: Tôi cho rằng nền tảng quan trọng nhất chính là những chủ trương, giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển doanh nghiệp quốc phòng-an ninh của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục CNQP. Trên cơ sở đó, nhà máy đã xác định các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp đã chủ động hơn trong hội nhập, khai thác các nguồn lực để phát triển sản xuất, phát huy thế mạnh của doanh nghiệp. Nhờ vậy, từ chỗ chỉ gia công các chi tiết cho xuất khẩu theo đơn đặt hàng, đến nay, nhà máy đã sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm với hàng chục mẫu mã khác nhau, xuất khẩu trực tiếp và bán sản phẩm nội địa; chủ động hơn trong đàm phán, lựa chọn đối tác khách hàng.

Công nhân Nhà máy Z117 trong dây chuyền sản xuất hàng kinh tế.

PV:Nhà máy đã “chinh phục” đối tác và khách hàng quốc tế như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Đặng Hồng Sơn: Đối với sản phẩm xuất khẩu thì việc giữ gìn uy tín và sự tín nhiệm với bạn hàng là hết sức quan trọng, bằng các chính sách chất lượng, tiến độ giao hàng và giá cả cạnh tranh. Vì vậy, đi đôi với xây dựng chiến lược mặt hàng, phát triển thị trường, nhà máy đã mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Điểm cốt lõi là chúng tôi tập trung phát triển hệ thống quản lý, quản trị và xúc tiến thương mại. Cùng với đó là cải tiến trang thiết bị; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để hạ giá thành, giảm chi phí. Nhà máy cũng tích cực quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên internet; tham gia các hội chợ về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp trong nước và quốc tế. Cùng với đó là lựa chọn những đối tác có tiềm lực mạnh về tài chính, có uy tín, những đối tác có sản phẩm sản xuất lớn, chu kỳ lặp lại hằng năm, như: Công ty Nagoya của Nhật, ADEO của Pháp, IKEA của Thụy Điển, Sino Concord của Mỹ. Ở trong nước, chúng tôi tập trung sản xuất cho các liên doanh lớn như Honda, Nissin, Piaggio, Jaguar...

PV: Được biết, Nhà máy Z117 đã rất thành công trong việc phát triển những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng tự động hóa trong sản xuất?

Đại tá Đặng Hồng Sơn: Ngoài thị trường xuất khẩu, chúng tôi tập trung sản xuất một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các đối tác lớn trong nước. Giá trị sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ của chúng tôi mỗi năm đạt từ 5-7 triệu USD. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khác trong lĩnh vực này hiện vẫn đang được chú trọng...

Hiện nay, Nhà máy Z117 đã có ứng dụng quản trị nguồn nhân lực; phần mềm quản lý sản xuất, áp dụng vào mặt hàng có chuỗi sản phẩm từ vật tư đầu vào đến sản phẩm hoàn chỉnh.

Nhờ chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ để đầu tư tự động hóa sản xuất, hiện nay, chúng tôi đã có những công nghệ bón phôi tự động, cắt tự động, hàn robot tự động. Đặc biệt, nhờ sáng tạo, cải tiến của đội ngũ cán bộ khoa học trẻ của Nhà máy Z117, công nghệ đúc tự động cũng đã được hoàn thiện...

PV: Để doanh nghiệp phát triển vững chắc trong thời gian tới, Nhà máy Z117 sẽ tập trung vào những ưu tiên gì, thưa đồng chí?

Đại tá Đặng Hồng Sơn: Chúng tôi đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, dựa trên nguồn lực sẵn có, chúng tôi sẽ tiếp tục thu hút, mở rộng các thị trường mũi nhọn và mục tiêu, trước hết là thị trường trong nước.

Chúng tôi cũng sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các dự án dây chuyền sản xuất quốc phòng có tính lưỡng dụng, hàm lượng công nghệ cao để phát triển thêm sản phẩm kinh tế; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tận dụng, tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến; chủ động xây dựng và áp dụng thực hiện tốt các tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của khách hàng, như: Tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội; hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như ISO, BSCI, SMETA...

PV:Trân trọng cảm ơn đồng chí!

CHIẾN THẮNG - GIA MINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ung-dung-cong-nghe-thu-hut-nguoi-gioi-de-phat-trien-ben-vung-659864