Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dịch bệnh

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, dịch bệnh, điều trị methadone… tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã giúp cho việc chỉ đạo công việc được kịp thời, nhanh nhạy, hiệu quả.

Thông tin tiêm chủng dịch vụ được quản lý trên hệ thống phần mềm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tra cứu thông tin bệnh nhân trước khi tiêm chủng. Ảnh: Mai Liên

Thông tin tiêm chủng dịch vụ được quản lý trên hệ thống phần mềm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tra cứu thông tin bệnh nhân trước khi tiêm chủng. Ảnh: Mai Liên

* Nhiều ứng dụng được triển khai

Từ tháng 3-2019, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh trong cả nước được chọn triển khai thử nghiệm hệ thống dự báo sốt xuất huyết (D-MOSS). Đây là hệ thống sử dụng các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như: ca bệnh, khí tượng thủy văn, độ ẩm, nhiệt độ..., qua đó đưa ra dự báo về tình hình sốt xuất huyết trước từ 1-6 tháng.

Thông qua hệ thống dự báo này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh có thể ước tính khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của dịch sốt xuất huyết, từ đó cảnh báo dịch và chủ động hơn trong việc đưa ra những giải pháp can thiệp sớm, giúp giảm số người mắc sốt xuất huyết, đồng thời giảm gánh nặng kinh tế do sốt xuất huyết gây ra.

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở trung tâm hiện vẫn còn một số hạn chế như trang thiết bị máy móc ở cơ sở vẫn còn thiếu và yếu về cấu hình. Trong khi đó, việc quản lý những bệnh không lây nhiễm hiện còn khó khăn do chưa có ứng dụng phầm mềm nào trong quản lý những bệnh này”.

Trung tâm đã triển khai trong toàn tỉnh thực hiện phần mềm quản lý bệnh sốt rét và tiếp tục thực hiện phần mềm quản lý các bệnh truyền nhiễm nhằm thu thập kịp thời thông tin về tình hình mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, giúp cho việc theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Hay như để việc quản lý, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone được hiệu quả, từ tháng 7-2019, trung tâm đã triển khai ứng dụng công nghệ tích hợp mã vạch với công nghệ nhận diện khuôn mặt (NFC) cho bệnh nhân.

Theo đó, bệnh nhân khi đến các cơ sở điều trị methadone, chỉ cần xuất trình thẻ NFC tích hợp mã vạch với công nghệ nhận diện khuôn mặt là được điều trị, uống thuốc mà không cần làm thủ tục khác khi tham gia. Với việc ứng dụng công nghệ tích hợp mã vạch, mỗi bệnh nhân đều được cấp một mã nhận diện (ID) để quản lý toàn bộ quá trình điều trị bằng hệ thống phần mềm. Hệ thống nhận diện có 120 tính năng áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh, khi sử dụng thẻ thì tất cả các thông tin của bệnh nhân đều được thể hiện trên máy tính.

Việc ứng dụng công nghệ tích hợp mã vạch với công nghệ nhận diện khuôn mặt không chỉ tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính mà còn giúp các cơ sở điều trị methadone có thể quản lý và điều trị tốt hơn cho người bệnh.

* Hiệu quả, tiết kiệm

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, khi sáp nhập 7 đơn vị trực thuộc thành trung tâm, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm rất rộng, quản lý hầu hết các lĩnh vực khác nhau trong công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, việc ứng dụng các phần mềm quản lý giúp cho trung tâm thu thập và tổng hợp, đánh giá sớm và nhanh tình hình bệnh tật, nhất là diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Việc ứng dụng phần mềm trong hoạt động dịch vụ giúp bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, giảm phiền hà và thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh trung tâm được bố trí làm việc tại 4 trụ sở khác nhau, ở xa nhau nên việc triển khai hệ thống I-OFFICE đã đem lại lợi ích rất lớn.

Mọi chỉ đạo hoạt động, chuyển công văn đã được thực hiện trên điện thoại thông minh, máy vi tính giúp cho việc xử lý công việc nhanh chóng, không cần phải có mặt ở văn phòng, nhất là việc chỉ đạo gấp, khẩn trong điều tra, xử lý dịch bệnh. Quan trọng hơn nữa là tiết kiệm được một lượng lớn về giấy, mực in và việc đi lại chuyển công văn giữa các cơ sở.

Nói về sự tiện lợi khi sử dụng thẻ nhận diện NFC, anh T.V.G. (ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), người đang điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại cơ sở số 1 Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trước đây, tôi phải uống thuốc đúng nơi mình đăng ký. Muốn đến cơ sở khác để uống thuốc, tôi phải chuyển hồ sơ, làm thủ tục mất nhiều thời gian. Nay tôi có thể đến cơ sở khác, chỉ cần xuất trình thẻ là có thể sử dụng thuốc”.

Mai Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-vao-quan-ly-dich-benh-2989275/