Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất - Bài 2: Công khai, minh bạch quyền sở hữu

Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng đô thị bởi xuất hiện ngày càng nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp thì sự không minh bạch trong các giao dịch đất đai chính là yếu tố rủi ro đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tác động xấu tới phát triển của kinh tế Việt Nam.

Do đó, việc công khai, minh bạch các thông tin về quyền sở hữu đất đai giúp thuận lợi cho các dự án hợp tác và tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất tại Việt Nam.

Nhiều nền đất bỏ hoang tại Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc. Ảnh minh họa: Trần Xuân Tình/TTXVN

Nhiều nền đất bỏ hoang tại Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc. Ảnh minh họa: Trần Xuân Tình/TTXVN

Nâng cao nhận thức để "xóa" rào cản

Theo ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống thông tin đất đai quốc gia ở Việt Nam gồm: Cấp Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý) và cấp địa phương (UBND tỉnh quản lý). Trên cơ sở này, kiến trúc dữ liệu đất đai và các ứng dụng, công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin gồm cả cơ sở dữ liệu đất đai cấp Trung ương và cấp tỉnh. Theo lộ trình, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai các cấp sẽ hoàn thiện từ năm 2019 - 2025 và đảm bảo vòng đời hệ thống thông tin đất đai được duy trì, thực thi 5 năm/lần.

Thực tế, thị trường bất động sản không minh bạch trở thành rào cản đối với năng suất lao động của doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài, dẫn đến chỉ số cạnh tranh thấp.

Ngoài ra, rào cản đối với năng suất lao động còn do điều kiện đất đai và quyền sử dụng đất không rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng đất. Điều này cản trở việc chuẩn bị đất để xây dựng các khu dân cư và công trình thương mại. Việc thu hồi đất ở các khu vực đô thị mất nhiều thời gian cũng gây chậm trễ tiến độ của các công trình công cộng. Hơn nữa, rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài chính là việc quyền sử dụng đất và các thủ tục hành chính không rõ ràng, gây trở ngại cho các công ty đầu tư vào Việt Nam. Do đó, đảm bảo các yếu tố minh bạch là cần thiết khi kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Bàn về lợi ích cấp quốc gia, cấp vùng, tăng trưởng GDP được kỳ vọng ở mức 1,53%, chủ yếu nhờ vào việc kêu gọi đầu tư nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu hút đầu tư. Theo đó, Việt Nam coi nguồn thu từ thuế liên quan đến đất đai là nguồn thu thường xuyên vào ngân sách Nhà nước trên nền tảng thuế doanh nghiệp thấp, tự do hóa thương mại, giá tài nguyên thấp; tăng năng suất lao động cũng là yếu tố trực tiếp góp phần phát triển kinh tế nhờ thu hút đầu tư. Đồng thời, các tỉnh cũng thu được lợi ích nhờ việc ứng dụng hệ thống đăng ký đất đai. Vì thế, để đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại các địa phương, dự tính có thể giảm nghèo cho 369.000 người nhờ việc áp dụng hệ thống đăng ký đất đai trên toàn quốc.

Do những bất cập, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngoài định hướng về chính sách, cơ cấu tổ chức, cần định hướng nâng cao nhận thức trong ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo các cấp, cán bộ về quản trị hệ thống thông tin đất đai (hệ thống mạng, quản trị cơ sở dữ liệu lớn và quản trị hệ thống phần mềm thông tin đất đai), chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin vào làm việc thông qua cơ chế về biên chế và chế độ đãi ngộ...

Ngoài ra, các giải pháp phần mềm về hệ thống thông tin đất đai (LIS) cần xã hội hóa, cho phép các đơn vị, doanh nghiệp có khả năng tham gia thị trường cung ứng giải pháp phần mềm hệ thống thông tin đất đai và các giải pháp phần mềm nền. Tuy nhiên, cần phải phù hợp với yêu cầu của quản lý Nhà nước, gồm sự phù hợp về chính sách, đặc thù của địa bàn ứng dụng và khả năng sử dụng của cán bộ tại địa bàn. Việc đáp ứng và tương thích với chuẩn dữ liệu địa chính là điều kiện tiên quyết để ứng dụng trong ngành.

Thúc đẩy đầu tư

Về nguồn vốn đầu tư, cần đa dạng hóa các loại hình nguồn vốn, từ các nguồn vốn ngân sách gồm đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư ban đầu, cho đến các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho cập nhật và chỉnh lý biến động đất đai (theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước), các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và xã hội hóa trên cơ sở cung cấp thông tin đất đai vào thị trường nội dung số Việt Nam theo định hướng của Nhà nước.

Ông Takuya Kudo, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết: Hiệu quả của hệ thống đăng ký đất đai là phương pháp được sử dụng rộng rãi để đánh giá các chính sách, bởi đăng ký đất đai tác động trực tiếp tới các địa phương, nhằm nâng cao năng suất lao động (tài nguyên cho các hoạt động kinh tế); nguồn thu thuế liên quan tới đất đai (đối tượng quản lý); đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy đầu tư, nhập khẩu, tiêu dùng, xuất khẩu, tạo tiền lương việc làm, nâng cao mức tăng trưởng GDP...

Thực tế, nguồn thu từ đất đai rất khó tăng trưởng bởi phụ thuộc vào việc thu thuế mang tính thời kỳ, nên khi không còn đất để bán, nguồn thu thuế đất sẽ giảm. Đối với việc thu thuế tài sản cố định, tùy vào sự phát triển kinh tế đánh thuế đối với người sở hữu đất đai, nhà ở, nhận được nhiều lợi nhuận là khuyến khích sử dụng hiệu quả đất. Trong khi đó, nguồn thu thuế từ tài sản đất, nhà ở thấp, số lượng đất đang bị đánh thuế ở Việt Nam chỉ khoảng 30%. Hiện Việt Nam đang tồn tại 2 giá đất, cụ thể là việc áp dụng giá đất của Chính phủ và giá đất của thị trường. Trong dự án đất liền kề khu vực Phú Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009, giá đất của Chính phủ từ 2.200 - 3.000 đồng/m2; giá bán theo lô là 23.000 - 25.000 đồng/m2.

Điển hình tại Nhật Bản, hệ thống đăng ký đất đai có hiệu ứng lan tỏa bởi mô hình CGE - mô hình phản ánh dòng chuyển dịch của tiền và hàng hóa. Nhật Bản đang nghiên cứu xem năng suất lao động được tăng lên ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, bởi kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thương mại nước ngoài.

“Hướng tới mục tiêu, định hướng xây dựng, bổ sung hệ thống quản lý đất đai phục vụ nâng cao an toàn giao dịch bất động sản và phát triển kinh tế Việt Nam, thời gian tới Việt Nam cần kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia để đưa chính sách Luật Đất đai vào thực tiễn; đa dạng hóa các loại hình nguồn vốn đầu tư, từng bước đảm bảo chi phí cho việc vận hành, duy tu và phát triển hệ thống thông tin đất đai quốc gia; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn làm nền tảng để duy trì và phát triển hệ thống thông tin đất đai”, ông Nguyễn Bảo Trung nhấn mạnh.

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-quan-ly-dat-bai-2-cong-khai-minh-bach-quyen-so-huu-20190430091805486.htm