Ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương của Trung ương và Thành phố về đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử, tác giả Nguyễn Duy Dương- Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có ý tưởng 'Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội'. Báo Lao động Thủ đô xin trân trọng giới thiệu ý tưởng sáng tạo của tác giả Nguyễn Duy Dương.

1. Lý do của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong những năm qua, Trung ương và Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai việc đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê, chuyển từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử như: Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”; Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ Quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 13/2019/QĐ-TTg ngày 27/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 127/2009/QĐ-TTg ngày 26/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy; Thông tư số 15/2019/TT-BLĐTBXH ngày 18/9/2019 Quy định chế độ báo cáo thống kê Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 14/8/2017 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Chế độ báo cáo thống kê trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của các quận, huyện, thị xã đối với cơ quan thường trực trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã được triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc trong thời gian qua. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tổng hợp, tham mưu cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND Thành phố và Trung ương theo quy định. Tuy nhiên, chế độ báo cáo thống kê trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội hiện nay có một số bất cập như nhiều loại báo cáo, chưa thống nhất về nội dung, mốc số liệu và thời hạn nộp báo cáo, thông tin chưa kịp thời, số liệu báo cáo chưa đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do tình trạng chồng chéo giữa các báo cáo còn xảy ra, phương thức gửi và nhận báo cáo chưa phù hợp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thông tin, báo cáo còn hạn chế.

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời thực hiện chủ trương của Trung ương và Thành phố về đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử và triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định chế độ báo cáo thống kê trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quy định chế độ báo cáo thống kê trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (kèm theo Quyết định số 1449/QĐ-SLĐTBXH ngày 31/12/2019) trong đó, quy định mốc thời gian chốt số liệu báo cáo là từ ngày 15 của tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo; thời hạn gửi báo cáo của cấp xã lên cấp huyện chậm nhất vào ngày 16 của tháng thuộc kỳ báo cáo, cấp huyện gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) chậm nhất vào ngày 18 của tháng thuộc kỳ báo cáo và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội gửi Ban Chỉ đạo Thành phố chậm nhất vào ngày 20 của tháng thuộc kỳ báo cáo. Do đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả và đảm bảo quy định cần đẩy mạnh “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

2. Mục tiêu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

- Xây dựng hệ thống file excel các mã chỉ tiêu đã được đặt lệnh tích hợp số liệu phục vụ việc cập nhật, tổng hợp báo cáo thống kê trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Giảm thời gian thực hiện báo cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cập nhật số liệu, đơn vị tổng hợp số liệu, đảm bảo thời gian gửi, nhận báo cáo theo đúng quy định của Thành phố và Trung ương.

- Góp phần ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, nội dung báo cáo chính xác, đầy đủ, kịp thời; các dữ liệu báo cáo được quản lý, cập nhật và khai thác sử dụng hiệu quả, biểu báo cáo được tối đa hóa, phù hợp với yêu cầu báo cáo của từng cấp quản lý.

- Đảm bảo hoạt động báo cáo được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy trình, kỳ và thời hạn gửi báo cáo thống nhất, đồng bộ, có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả, thống nhất nguồn số liệu thông tin từ các báo cáo, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính

3. Phạm vi và đối tượng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

a. Phạm vi

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng các biểu báo cáo thống kê công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật, tổng hợp báo cáo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi và nhận báo cáo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

b. Đối tượng áp dụng

- Cấp Thành phố: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội).

- Cấp huyện: Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã.

- Cấp xã: Ban Chỉ đạo 138 các xã, phường, thị trấn.

4. Nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

4.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng các biểu báo cáo công tác phòng chống tệ nạn xã hội (có biểu chi tiết đính kèm).

- Biểu cập nhật cấp xã (Biểu 01-TNXH): gồm 187 mã chỉ tiêu, thống kê kết quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của địa phương trong kỳ: công tác tuyên truyền từ mã chỉ từ tiêu 01 đến mã chỉ tiêu 05; công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy từ mã chỉ tiêu 06 đến mã chỉ tiêu 80; công tác phòng, chống mại dâm từ mã chỉ tiêu 81 đến mã chỉ tiêu 131; công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về từ mã chỉ tiêu 132 đến mã chỉ tiêu 149; hoạt động của Đội Công tác xã hội tình nguyện từ mã chỉ tiêu 150 đến mã chỉ tiêu 176; số cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội gồm mã chỉ tiêu 177 và 178; số kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp xã từ mã chỉ tiêu 179 đến mã chỉ tiêu 187.

- Biểu cập nhật và biểu tổng hợp cấp huyện (Biểu 02-TNXH): tổng số 228 mã chỉ tiêu: Gồm 187 mã chỉ tiêu tổng hợp từ cấp xã và bổ sung 41 mã chỉ tiêu để tổng hợp báo cáo số liệu triển khai của cấp huyện, bao gồm: Mã chỉ tiêu 188 là số Câu lạc bộ B93; công tác thanh tra, kiểm tra của Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện từ mã chỉ tiêu 189 đến 197; công tác truy quét, triệt phá ổ nhóm tổ chức hoạt động mại dâm từ mã chỉ tiêu 198 đến 212; công tác truy tố, xét xử từ mã chỉ tiêu 213 đến 218; số xã/phường/thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ mã chỉ tiêu 219-222; số cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội gồm mã chỉ tiêu 223 và 224; số kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện từ mã chỉ tiêu 225 đến mã chỉ tiêu 228.

- Biểu mẫu cấp Thành phố (Biểu 03-TNXH): tổng số 279 mã chỉ tiêu: Gồm 228 mã chỉ tiêu tổng hợp từ cấp huyện và bổ sung 51 mã chỉ tiêu để tổng hợp báo cáo số liệu triển khai của cấp Thành phố, bao gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, điều hành công tác cai nghiện và quản lý sau cai (229-230); bổ sung các mã chỉ tiêu trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai (231-257); xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống mại dâm (258-259); công tác thanh tra, kiểm tra Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố (260-268); số cán bộ trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp Thành phố (269-270); số kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp Thành phố (271-279).

4.2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật, tổng hợp báo cáo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Đối với biểu tổng hợp báo cáo của cấp xã: xây dựng các sheet hàng tháng, quý, 6 tháng, năm; đối với các số liệu mã chỉ tiêu có số nam và số nữ sẽ đặt lệnh số nam + số nữ vào số tổng; số cuối kỳ = số đầu kỳ + số tăng trong kỳ - số giảm; đồng thời xây dựng các lệnh tích hợp số liệu các tháng vào các sheet quý, 6 tháng, năm (ví dụ: số liệu tháng 1, tháng 2, tháng 3 sẽ tự tích hợp vào số liệu quý I), như vậy đối với các sheet báo cáo quý, 6 tháng, năm thì cấp xã sẽ không cần cập nhập số liệu vì số liệu đã tự tích hợp từ các tháng.

- Đối với biểu tổng hợp, cập nhật báo cáo của cấp huyện:

+ Xây dựng biểu gồm sheet tổng và các sheet cập nhật số liệu của các đơn vị cấp xã thuộc địa bàn quản lý; chỉ cần copy số liệu cấp xã dán vào sheet cấp xã tương ứng, số liệu của các xã sẽ tự động tích hợp vào số tổng theo lệnh đã đặt sẵn.

+ Đối với việc cập nhật hàng tháng của cấp huyện: từ số liệu của biểu tổng hợp các xã đã thực hiện, trích xuất vào biểu cập nhật của cấp huyện và bổ sung các mã chỉ tiêu cấp huyện thực hiện trong tháng.

+ Đối với việc cập nhật hàng quý, 6 tháng, năm của cấp huyện: biểu hàng tháng, quý, 6 tháng, năm của cấp huyện đã được đặt lệnh tích hợp từ các tháng nên không cần cập nhật số liệu.

- Đối với biểu tổng hợp, báo cáo của cấp Thành phố:

+ Xây dựng biểu gồm sheet tổng và các sheet cập nhật số liệu của các cấp huyện; copy số liệu cấp huyện đã gửi dán vào sheet cấp huyện tương ứng, số liệu của cấp huyện sẽ tự động tích hợp vào số tổng theo lệnh đã đặt sẵn.

+ Đối với việc cập nhật hàng tháng của cấp Thành phố: từ số liệu của biểu tổng hợp trích xuất vào biểu cập nhật của cấp Thành phố và bổ sung các mã chỉ tiêu cấp Thành phố thực hiện trong tháng.

+ Đối với việc cập nhật hàng quý, 6 tháng, năm của cấp Thành phố: biểu hàng tháng, quý, 6 tháng, năm của cấp Thành phố đã được đặt lệnh tích hợp từ các tháng nên không cần cập nhật số liệu.

4.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi và nhận báo cáo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

- Các đơn vị sẽ chuyển file mềm báo cáo hàng tháng, quý, 6 tháng, năm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội qua hòm thư điện tử và không phải gửi báo cáo bằng bản giấy.

- Cấp xã: Ban Chỉ đạo 138 cấp xã là cơ quan thực hiện báo cáo gửi về Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện (qua hòm thư điện tử của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội).

- Cấp huyện: Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp từ số liệu báo cáo của cấp xã và hoạt động chỉ đạo, triển khai của cấp huyện và gửi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (qua hòm thư điện tử của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội).

- Cấp Thành phố: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) có trách nhiệm tổng hợp số liệu của cấp huyện và hoạt động, chỉ đạo, triển khai trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của Thành phố để phục vụ các báo cáo gửi Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 197, UBND Thành phố và Trung ương.

5. Hiệu quả triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

- Góp phần thực hiện đúng theo chủ trương, quy định về chế độ báo cáo thống kê của Trung ương, Thành phố.

- Cung cấp đầy đủ số liệu, kết quả các lĩnh vực trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho công tác quản lý điều hành.

- Giảm thời gian tổng hợp báo cáo, đảm bảo gửi báo cáo đúng thời hạn giữa các cấp, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc.

- Thực hiện việc chuyển từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử./.

Nguyễn Duy Dương

(Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-bao-cao-thong-ke-cong-tac-phong-chong-te-nan-xa-hoi-112915.html