Ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 39/2018/NÐ-CP gồm nhiều nội dung mới, nhất là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK).

Theo đó, phương thức nộp hồ sơ hải quan điện tử sẽ trở thành phương thức chủ yếu. Hồ sơ được người khai nộp dưới dạng điện tử ngay khi thực hiện đăng ký tờ khai mà không cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ dưới dạng giấy và mang đến cơ quan hải quan để nộp như hiện tại. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần; được phản hồi kết quả phân luồng ngay sau khi tờ khai được đăng ký thành công. Tuy nhiên, căn cứ vào thông tin cập nhật đến thời điểm hàng hóa XNK đến cửa khẩu, trường hợp thông tin về cơ sở phân luồng có thay đổi so với thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, thì Hệ thống sẽ tự động xử lý và thông báo việc thay đổi kết quả phân luồng tờ khai hải quan cho người khai.

Ðiểm mới đối với việc hủy tờ khai là tờ khai nhập khẩu chỉ được hủy nếu hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hàng hóa đến cửa khẩu nhập. Ngoài ra, bổ sung một số trường hợp hủy tờ khai để phù hợp các giao dịch thực tế của hoạt động XNK, như: Tờ khai hải quan đã đăng ký, hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng không có giấy phép tại thời điểm đăng ký tờ khai; tờ khai xuất khẩu đã thông quan hoặc giải phóng hàng nhưng thực tế không xuất khẩu hàng hóa... Hơn nữa, để minh bạch hóa các thủ tục khai bổ sung phù hợp tập quán thương mại quốc tế và đặc trưng của từng ngành hàng, Thông tư số 39 đã phân biệt cụ thể các trường hợp người khai hải quan tự phát hiện ra sai sót, được khai bổ sung trong thông quan và sau khi đã được thông quan; gửi thừa hàng, nhầm hàng, thiếu hàng, hàng hóa chưa đưa hoặc đưa một phần ra khỏi khu vực giám sát hải quan... Thủ tục hải quan này cũng được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống điện tử thay vì xác nhận trên giấy như hiện tại.

Khi lấy mẫu hàng hóa XNK, người khai có thể lấy mẫu thông qua Hệ thống mà không cần phải đến cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận đề nghị thông báo chấp nhận việc lấy mẫu thông qua Hệ thống. Trường hợp lấy mẫu phục vụ kiểm tra chuyên ngành và hàng hóa đang trong khu vực giám sát hải quan, cơ quan hải quan sẽ bố trí lực lượng giám sát trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro. Ðối với quy định đưa hàng về bảo quản, người khai hải quan cần chứng minh địa điểm bảo quản là các kho, bãi có địa chỉ rõ ràng, ngăn cách với khu vực chung quanh bảo đảm nguyên trạng hàng hóa. Thông tư số 39 cũng bổ sung các quy định để làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, địa điểm về việc cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan về lượng hàng, thời điểm hàng ra, vị trí lưu giữ và các thay đổi trong quá trình lưu giữ... Trường hợp tại khu vực cảng, kho, bãi, địa điểm đã có kết nối Hệ thống thông tin với cơ quan hải quan, người khai chỉ cần liên hệ với doanh nghiệp cảng để vận chuyển hàng hóa qua khu vực giám sát, bởi thông tin về các lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát đã được cơ quan hải quan cung cấp qua Hệ thống. Ðây là quy định với mục tiêu điện tử hóa các thủ tục tại khâu giám sát, khâu mà từ trước tới nay phần lớn vẫn làm thủ tục theo phương thức thủ công.

Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, các quy định nêu trên được xây dựng dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng, kết hợp áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, đáp ứng các yêu cầu quản lý hải quan, xử lý các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành, nhất là tính đến yếu tố phù hợp với sự thay đổi của tập quán thương mại quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37406802-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-tao-thuan-loi-cho-hoat-dong-thuong-mai.html