Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền

Với sự vào cuộc quyết liệt, đầu tư thích đáng, công nghệ thông tin đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ở Hà Nội...

Long Biên được biết đến là quận đi đầu của thành phố trong cải cách hành chính với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Nhìn vào kết quả cải cách hành chính của quận trong những năm qua, nổi bật lên trên tất cả là sự hiện đại, tiện ích của công nghệ thông tin (CNTT), từ đó tạo nên sự nhanh chóng, thuận tiện, thân thiện trong thực thi nhiệm vụ của các cấp chính quyền.

Lãnh đạo quận Long Biên cho biết, để hiện đại hóa hành chính, quận đã trang bị máy tính bảng cho lãnh đạo, khai thác hiệu quả máy tính bảng trong quản lý điều hành. 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ quận đến cơ sở được trang bị máy tính và các thiết bị CNTT khắc phục vụ công việc.

Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, quận Long Biên hạn chế được việc sử dụng văn bản giấy, tài liệu phục vụ các cuộc họp, thay vào đó là cung cấp bằng file điện tử, góp phần tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Công tác đánh giá cán bộ hằng tháng cũng được thực hiện hiệu quả thông qua các thiết bị điện tử.

Đây cũng là hướng đi đang được thành phố Hà Nội nỗ lực đẩy mạnh thực hiện. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình CNTT trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hóa giúp tiết kiệm thời gian, chí phi, nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân, doanh nghiệp; đảm bảo an toàn thông tin mạng; từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh.

Đáng chú ý, Hà Nội đã tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực như: nâng cao nhận thức về thành phố thông minh đối với người dân; tăng cường phối hợp với các trường đại học, tập đoàn công nghệ thông tin lớn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nâng cao, chuyên sâu về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức; hợp tác với Thành đoàn Hà Nội triển khai công tác đào tạo cho các đối tượng là đoàn viên...

Từ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nền hành chính Hà Nội đã có bước chuyển biến rõ nét, trong đó ghi nhận các điểm số thành phần về tính minh bạch, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động của chính quyền được cải thiện đáng kể so với những năm trước.

Đến nay toàn thành phố đã có 1.031 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 55% thủ tục hành chính của Thành phố được triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, 893 DVCTT mức 3 và 138 DVCTT mức 4; bao gồm các DVCTT tiếp nhận từ các bộ, ngành, các DVCTT do đơn vị tự triển khai và thành phố triển khai trên Cổng Dịch vụ công dùng chung.

Hà Nội tiếp tục tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2018. Kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ tại một số cơ quan trong thực hiện các thủ tục hành chính năm 2018 tại Hà Nội cũng cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đạt mức khá trở lên.

Đáng kể, người dân đã dần quen với việc ứng dụng CNTT khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính. Tại nhiều bộ phận "một cửa", người dân sau thời gian bỡ ngỡ đã thành thạo trong việc lấy số thứ tự, tra cứu thông tin.

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt, đầu tư thích đáng, việc ứng dụng CNTT đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ở Hà Nội. Năm 2019, TP Hà Nội đặt mục tiêu 100% UBND các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến (giao ban trực tuyến) kết nối với UBND TP và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 80% cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác, sơ kết, tổng kết, tập huấn của Thành phố; 30% cuộc họp có nhiều thành phần tham dự để giải quyết công việc, họp giao ban định kỳ, các cuộc họp khác của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đến cấp xã được thực hiện trực tuyến.

Thành phố cũng phấn đấu 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của thành phố được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định; 50% các xã, phường, thị trấn có trang, cổng thông tin điện tử trên cổng thông tin của quận, huyện, thị xã; 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố dưới dạng điện tử (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định).

Để hoàn thành các mục tiêu trên, trong 9 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục đầu tư Hệ thống Họp trực tuyến đến cấp xã phục vụ công tác quản lý, điều hành; đầu tư, thuê bổ sung hạ tầng kỹ thuật CNTT; tiếp tục triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành theo hướng tập trung, tích hợp tại Trung tâm dữ liệu, từng bước hình thành dữ liệu lớn (Bigdata); xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo Kiến trúc chính quyền điện tử Việt Nam phiên bản 2.0...

Hạnh Nguyên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-de-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-chinh-quyen-d2067585.html