Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về “Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng 4.0”. Vậy, hiều thế nào về việc tiến hành cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống?

Ngành Văn hóa với việc ứng dụng công nghệ số

Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, thì cách mạng 4.0 là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 gồm Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Theo Khoa học phổ thông: “Trí tuệ nhân tạo (AI) hay trí thông minh nhân tạo (tiếng Anh: Artificial Intelligence hay Machine Intelligence, thường được viết tắt là AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào.

- Kết nối Internet vạn vật (IoT): IoT Là một hệ thống các thiết bị máy tính, máy móc, vật thể, động vật hoặc người được kết nối với nhau, được định danh, và có khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không cần đến sự can thiệp con người.

- Big Data: Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và rất phức tạp đến mức những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể nào đảm đương được.

Dữ liệu lớn là yếu tố cốt lõi để sử dụng và phát triển IoT và AI. Nó như một điều tất yếu khi công nghệ phát triển, dữ liệu được tạo ra ngày càng nhiều với tốc độ rất nhanh. Do đó, cách thu thập và khai thác dữ liệu lớn sẽ tạo ra điểm khác biệt giữa các doanh nghiệp triển khai công nghệ”.

Với các khái niệm như trên, ta có thể vận dụng vào hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc như thế nào? Có thể thấy rằng, ngành Văn hóa đã có những bước đi đầu tiên tiến hành cuộc cách mạng 4.0 bằng việc ứng dụng công nghệ số tại các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bảo tồn, phục dựng và quảng bá những giá trị của di sản văn hóa.

Theo ThS. Nguyễn Mạnh Cường,Tạp chí Du lịch 6/2018: “Trong lĩnh vực văn hóa, việc ứng dụng các sản phẩm của cách mạng 4.0 để bảo tồn, phục dựng và quảng bá những giá trị của di sản văn hóa cũng rất phát triển. Một số địa chỉ di sản nổi tiếng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Bảo tàng Điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng, Bảo tàng Hải Dương học - Khánh Hòa, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - thành phố Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đã ứng dụng thuyết minh tự động (Audio Guide) gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau để phục vụ khách tham quan. Thiết bị trên được nối vào tai nghe và hoạt động dựa theo bộ định vị được cài sẵn ở các địa điểm cần thuyết minh, đồng thời du khách sẽ nhận được thêm tờ hướng dẫn kèm theo để hỗ trợ trong quá trình tham quan tại di sản.

Ngoài ra, phải kể đến chương trình ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã cho phép tất cả mọi người có thể khám phá Hoàng Thành Thăng Long bằng thiết bị điện thoại thông minh kết nối Internet từ kho ứng dụng App Store. Nội dung thuyết minh di sản được thể hiện dưới hình thức văn bản, hình ảnh tĩnh và động. Ứng dụng này không chỉ khắc phục được những hạn chế của loại hình Audio Guide, mà còn có thể giúp cho khách tham quan nắm bắt được thông tin về thời gian mở cửa, địa điểm tham quan, giá vé và các thông tin liên quan khác. Du khách cũng có thể gửi phản hồi của mình trên ứng dụng App Store đến nhà quản lý để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch ngày một chất lượng hơn. Có thể nói, việc triển khai ứng dụng thuyết minh Audio Guide đa kênh ngôn ngữ thông qua hệ thống kết nối không dây tại những di sản trên đã bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực. Trước kia, công việc thuyết minh chỉ mang tính tự phát, hiện nay văn bản thuyết minh được xây dựng chuyên nghiệp sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm, khám phá về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của di sản mà không bị quấy rầy trong suốt buổi tham quan. Công cụ thuyết minh này rất tiện lợi cho những khách đi nhóm nhỏ hoặc lẻ”...

“Chương trình số hóa di sản văn hóa không phải là việc làm mới đối với nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam công nghệ này cũng đã được ứng dụng hơn mười năm trở lại đây. Đi đầu trong lĩnh vực này là Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia với hàng trăm dự án sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật biểu diễn dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đã được thực hiện. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và những sản phẩm văn hóa phi vật thể khác đã được số hóa để thuận tiện trong việc lưu giữ, phục vụ nghiên cứu và quảng bá những giá trị của di sản văn hóa. Công cụ số hóa dữ liệu đầu vào là những thiết bị hiện đại trong lĩnh vực truyền thông hiện nay. Phần mềm được sử dụng là phiên bản Media 100, Finalcut... Tất cả các dữ liệu sau khi mã hóa được lưu trữ trên đĩa DVD-RW, kỹ thuật in hình trên đĩa này là kỹ thuật cao nhất để đảm bảo chất lượng tư liệu.

Hệ thống Data Bank của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là nơi tổng hợp đầy đủ và đa dạng các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Về lĩnh vực bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa vật thể, ứng dụng công nghệ 3D được coi là phương pháp tốt nhất để phục dựng các di vật, cổ vật hoặc những công trình kiến trúc nghệ thuật của di tích đã bị xuống cấp, hoặc bị hủy hoại bởi khí hậu và thời gian. Đi tiên phong trong lĩnh vực này là dự án “Xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện. Đây là công trình ứng dụng công nghệ scan 3D các di tích kiến trúc nghệ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện số hóa các hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ứng dụng công nghệ 3D để phục dựng kiến trúc thời Lý phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu…”

Với những thông tin như trên, ta có thể thấy rằng việc ứng dụng công nghệ số đã được ngành Văn hóa tiến hành khá sớm, nhằm vào một số lĩnh vực quan trọng, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy vậy, về số lượng, còn ít, về chất lượng, còn phải đầu tư hơn nhiều về ngân sách, trí tuệ để có thể đáp ứng nhu cầu cao của cuộc cách mạng 4.0.

Hướng ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống

Số hóa, bước đi đầu tiên có tính chất quyết định

Vốn di sản về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng. Để ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, trước hết cần nhận diện, phân loại, quy nhóm các di sản ấy. Trong bài viết này, tôi chỉ nói đến nghệ thuật biểu diễn,

Với vốn di sản nghệ thuật biểu diễn, có thể quy thành hai nhóm: Sân khấu (Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, Múa rối), và Âm nhạc (Cung đình, ca dao – dân ca). Việc số hóa hai lĩnh vực này đòi hỏi phải phân loại thật khoa học, chi tiết, tạo các mã số định danh cho rất nhiều thành phần, ví dụ như kịch bản/văn bản, trang phục, diễn xuất, theo nhiều định dạng khác nhau, như hình ảnh (.JPG), đoạn phim (.MP4), âm thanh (.MP3, WAV), văn bản (.WORD)…

Số hóa là bước đầu tiên và có tính chất quyết định cho các bước tiếp theo. Việc số hóa tư liệu về các di sản nói trên tạo nên một kho dữ liệu (Data bank), phải được tổ chức một cách khoa học để tiến tới hình thành kho dữ liệu cực lớn, phức tạp (Big Data). Điều này lại liên quan đến việc kết nối Internet để hình thành nên một mạng lưới xây dựng dữ liệu trong ngành Văn hóa, nhằm quy tụ thông tin từ các địa phương, các tổ chức… trong cả nước về kho dữ liệu chung. Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Quốc gia có thể là nơi chủ trì việc xây dựng kho dữ liệu này. Viện cần có một đội ngũ cán bộ - kỹ thuật viên vừa hiểu biết về văn hóa, vừa có kỹ năng về công nghệ thông tin đủ khả năng xây dựng bộ tiêu chuẩn dữ liệu nghệ thuật biểu diễn để các nơi khác sưu tầm, số hóa theo đúng chuẩn và truyền dẫn về kho dữ liệu của Viện. Kho dữ liệu này cần được đầu tư lớn, với những máy chủ mạnh, tổ chức theo hướng mở, đáp ứng được nhu cầu tích hợp thông tin ngày càng lớn.

Về nghệ thuật sân khấu, những tư liệu rất cần quan tâm xây dựng thành kho dữ liệu là xuất xứ (thời điểm, tác giả, bối cảnh xã hội), kịch bản, trang phục, hóa trang, diễn xuất. Ta đã biết, nhiều bộ phim, vở diễn bị phê phán là tùy tiện trong việc sử dụng trang phục, đạo cụ… Tuy nhiên, do thiếu cơ sở về tư liệu, cho nên việc sử dụng cũng như bàn luận thiếu sức thuyết phục. Nếu tạo được kho dữ liệu về trang phục, đạo cụ, chắc chắn sẽ giúp cho việc hiểu và phục dựng, phổ biến, phát huy nghệ thuật sân khấu sẽ phù hợp với truyền thống, tạo sức thuyết phục với công chúng.

Về nghệ thuật âm nhạc, những tư liệu quan trọng cũng gồm xuất xứ, văn bản, bản ghi âm, trình diễn.

Trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đặc biệt là các tác phẩm dân gian, vấn đề xuất xứ, bản gốc – dị bản luôn luôn là điều gây đau đầu cho các nhà nghiên cứu. Do thời gian đã lùi xa về quá khứ, do tính chất không văn bản, lại được lưu truyền rộng rãi theo hai chiều không gian và thời gian, cho nên việc xác định xuất xứ và bản chính rất khó khăn. Tác phẩm đó xuất hiện từ khi nào, ở đâu, đâu là bản chính, đâu là dị bản? Nếu ta tích hợp được một lượng tư liệu lớn theo những chuẩn mực nhất định, thì hi vọng, có thể nhờ vào trí tuệ nhân tạo sàng lọc, sẽ cho ta biết câu trả lời về những câu hỏi đó. Chẳng hạn, với một bài dân ca, dựa vào dữ liệu về bối cảnh xã hội, nội dung lời ca, giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu được tích hợp từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều bản khác nhau, trí tuệ nhân tạo có thể giúp ta so sánh, lựa chọn để chỉ ra đâu là bản gốc, đâu là dị bản, cùng với bối cảnh xã hội của bản dân ca đó, mà với cách tính toán của con người, sẽ không làm nổi.

Riêng đối với tác phẩm sân khấu, vấn đề xác định chính xác tác giả cũng có thể nhờ trí tuệ nhân tạo, thông qua việc máy tính tự xử lý hàng loạt dữ liệu về kịch bản sân khấu, về các tác giả… sẽ đưa ra câu trả lời khả dĩ tin được.

CM 4.0 mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người. (Vũ Đức Đam), kết nối hiện tại với quá khứ và tương lai.

Khả năng tương tác: Khả năng giao tiếp và kết nối của những dữ liệu về nghệ thuật truyền thống với con người đương đại.

Khi đã số hóa di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống tạo thành kho dữ liệu lớn, ta đã góp phần bảo tồn được di sản quý giá của cha ông.

Phổ biến, phát huy di sản nghệ thuật truyền thống trên môi trường ảo

Khi tạo nên một kho dữ liệu lớn về nghệ thuật biểu diễn truyền thống, ta đồng thời tận dụng môi trường internet để phổ biến, phát huy những giá trị đó.

Bước đi đơn giản, là ta kết nối một phần dữ liệu trong kho với các mạng phổ biến hiện nay như Youtube, Zing. Khi ấy, những tác phẩm tiêu biểu trong kho tàng nghệ thuật sân khấu, âm nhạc sẽ đến được với công chúng giống như các phim ảnh, bài hát được phổ biến trên mạng hiện nay.

Tuy nhiên, yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 cao hơn thế. Nó đòi hỏi, từ kho dữ liệu lớn mà ta đã xây dựng được, sẽ có nhiều hình thức truy cập hơn, với chất lượng cao hơn. Có thể nghĩ tới một số hình thức như sau:

- Tạo sự tương tác giữa người dùng và dữ liệu: Trong môi trường ảo, cần làm sao để người dùng có thể tương tác được với dữ liệu, tìm thấy những tư liệu mà họ cần, thậm chí, máy tính có thể tự tổng hợp hoặc tự lựa chọn được những tư liệu để tự động cung cấp cho người dùng theo xu hướng nghiên cứu/thưởng thức của họ.

- Xây dựng những bảo tàng ảo, nhà hát ảo: Xây dựng trên môi trường Internet những bảo tàng ảo về sân khấu, âm nhạc để người dùng truy cập tương tác với dữ liệu theo nhu cầu của họ.

- Vận dụng công nghệ số vào việc trang trí sân khấu, điều khiển ánh sáng, âm thanh cho nghệ thuật biểu diễn.

- Vận dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR): Công nghệ thực tế ảo tăng cường ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống. Một số bảo tàng đã sử dụng thực tế ảo tăng cường để truyền tải những thông điệp, ý nghĩa của những vật trưng bày đến người xem một cách hiệu quả. Ở Việt Nam, chưa có các bảo tàng chuyên về nghệ thuật biểu diễn, nhưng với các phần trưng bày về nghệ thuật biểu diễn tại các bảo tàng, hàn toàn có thể vận dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường, giúp người xem tương tác được với thế giới ảo ngay trong thực tế.

Trên đây mới chỉ là suy nghĩ bước đầu về một vấn đề rộng lớn. Việc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh” là rất kịp thời, cần thiết. Tin rằng, sau Hội thảo này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu, rộng hơn để đề ra những quyết sách nhằm tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động của ngành.

TS. Phạm Việt Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ung-dung-cong-nghe-so-trong-hoat-dong-bao-ton-khai-thac-phat-huy-gia-tri-di-san-nghe-thuat-truyen-thong-72910