Ứng dụng công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn

Giải pháp công nghệ thiết thực này là một trong số rất nhiều ứng viên tham gia bình xét Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) năm 2018 ở nhóm đối tượng 2 - Tổ chức, cá nhân có giải pháp đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho Thành phố.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm ô nhiễm môi trường, công nghệ nuôi tuần hoàn (RAS) đã được nghiên cứu và ứng dụng cho các loại thủy sản chiến lược (cá tra, tôm) và các loại cá có giá trị kinh tế khác nhau ở nhiều quy mô.

Hiện nay, để nuôi thành công các đối tượng thủy sản, tại Việt Nam và cả trên thế giới, các đơn vị hay hộ gia đình phải giải quyết nhiều vấn đề thách thức. Trong đó, chất lượng nước nuôi không ổn định, ô nhiễm môi trường, bệnh và mầm bệnh do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng lây lan, tỷ lệ sống thấp, quản lý không hiệu quả,... là những nan giải mà người nông dân luôn phải đối mặt trong suốt quá trình nuôi.

Để giải quyết những vấn đề trên và đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho nghề nuôi thủy sản với thị trường quốc tế, tiến sỹ Nguyễn Nhứt đã ứng dụng mô hình nuôi tuần hoàn ở nhiều quy mô khác nhau lên cá tra và các đối tượng khác (như cá chình bông, cá chạch quế, trắm đen, bỗng bằng,...).

Hệ thống RAS tái sử dụng nước một cách tối đa nhờ sự kết hợp với hệ thống xử lý nước toàn diện bao gồm: bể nuôi, loại bỏ các chất rắn, bể lọc sinh học, tháp tăng oxy và khử khí CO2 giúp kiểm soát tối đa điều kiện nuôi cấy trong ao, chất lượng nước và gia tăng tỷ lệ tuần hoàn từ công nghệ khử nitơ và tách nước từ quá trình làm đặc bùn.

Bên cạnh đó, nó cho phép điều kiện nuôi cấy được tối ưu hóa quanh năm và độc lập với các biến động về chất lượng nguồn nước và nhiệt độ môi trường xung quanh. Do đó, số lượng cá có thể gia tăng hoặc đạt kích thước lớn hơn trong cùng một khoảng thời gian.

Thông qua tìm hiểu đặc điểm sinh học, tính thích ứng môi trường, tính chất của chất thải của từng loài thủy sản nuôi, nghiên cứu hoàn thiện thích nghi các thiết bị nuôi như bộ lọc sinh học, máy tách chất thải rắn,... với hoạt động tại Việt Nam và giá thành rẻ để người sử dụng có thể ứng dụng, RAS đã trở nên phổ biến và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Được biết, hiện đã có đơn đặt hàng 17 mô hình nuôi ven đô thị và cơ sở giáo dục. Trong giai đoạn năm 2018-2020, ước tính phục vụ phát triển RAS ở TP.HCM ở mức 50 mô hình.

Công nghệ nuôi cá tra, cá chình bông siêu thâm canh trong nhà và ngoài trời, tôm sú, thẻ,... bằng RAS đều giúp năng suất tăng vọt, không xả thải ra môi trường, tiết kiệm sử dụng nước và năng lượng, chất lượng cá gia tăng, không nhiễm hóa chất hay kháng sinh đáp ứng chỉ tiêu cá xuất khẩu.

Tiến sỹ Nhứt cho biết, hầu hết trang thiết bị được sản xuất tại Việt Nam tự động hóa theo điều kiện khác nhau của trang trại. 100% mô hình được chấp nhận và vận hành hiệu quả. Từ đó chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng, các chỉ tiêu bền vững được đánh giá tốt hơn so với quy trình nuôi truyền thống.

Mặc dù Việt Nam không thiếu nước như các nước khác nhưng nuôi thủy sản vẫn đang đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Trong tương lai việc ứng dụng RAS thật sự hứa hẹn phát triển như mô hình công nghệ cao phù hợp với nuôi trong đô thị và ven đô thị.

Công nghệ nuôi tuần hoàn (RAS) là giải pháp tham gia Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) năm 2018 ở nhóm đối tượng 2.

Giải thưởng I-Star được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự tăng trưởng bền vững của TP.HCM và cả nước. Thông qua giải thưởng I-Star 2018, Sở KHCN TP.HCM muốn xây dựng văn hóa về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực, đồng thời lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Đối tượng và tiêu chí của giải thưởng:

• Đối tượng 1: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực hiện ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có thành tích nổi bật, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho Thành phố.
Tiêu chí xét chọn: 1) Tính sáng tạo 2) Hiệu quả kinh tế 3) Tác động xã hội

• Đối tượng 2: Tổ chức, cá nhân có giải pháp đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho Thành phố.
Tiêu chí xét chọn: 1) Tính sáng tạo 2) Tác động xã hội

• Đối tượng 3: Các tác phẩm truyền thông có nhiều tác động đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng.
Tiêu chí xét chọn: 1) Chiều sâu nội dung 2) Tính sáng tạo 3) Tác động xã hội

• Đối tượng 4: Các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tiêu chí xét chọn: Thông qua thành tích cống hiến cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2018/08/1257236/ung-dung-cong-nghe-nuoi-thuy-san-tuan-hoan/