Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất than

Với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, cải tiến điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho công nhân lao động, trong điều kiện khai trường ngày càng xuống sâu và đi xa, Những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không ngừng chú trọng đầu tư, đẩy mạnh áp dụng nhiều công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất.

Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ được hoàn thành lắp đặt tại Công ty cổ phần Than Núi Béo (TKV).

Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ được hoàn thành lắp đặt tại Công ty cổ phần Than Núi Béo (TKV).

Với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, cải tiến điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho công nhân lao động, trong điều kiện khai trường ngày càng xuống sâu và đi xa, Những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không ngừng chú trọng đầu tư, đẩy mạnh áp dụng nhiều công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất.

Làm chủ công nghệ tiên tiến

Công ty cổ phần Than Cao Sơn là đơn vị có sản lượng khai thác than nguyên khai lớn nhất TKV, mỗi năm khai thác từ 3,5 đến 3,7 triệu tấn than lộ thiên. Để đạt sản lượng nêu trên, công ty cần khoan nổ mìn bốc xúc mỗi năm khoảng 37 triệu m3 đất đá. Thời gian trước, công ty có 16 máy khoan CBW-250 do Liên Xô (trước đây) sản xuất, hoạt động từ năm 1980. Tuy nhiên, hiện tại phần lớn máy khoan đã xuống cấp, ảnh hưởng tiến độ khoan nổ mìn phục vụ sản xuất. Giữa năm 2018, Cao Sơn tiên phong đầu tư hơn 30 tỷ đồng nhập khẩu một máy khoan xoay cầu thủy lực CAT MD6250 (công nghệ Mỹ) phục vụ khoan nổ mìn khai thác than lộ thiên. Đây là thiết bị có thể kết nối dữ liệu, cập nhật phần mềm theo dõi thông số giờ khoan, nhiên liệu, di chuyển linh động các diện sản xuất dưới moong sâu, khoan sâu nhất đạt 54 m (máy khoan CBW-250 sâu nhất 32 m). Với những tính năng vượt trội, nhằm thực hiện nhiệm vụ sản xuất, tiếp tục đóng góp tăng trưởng toàn ngành than, tháng 2 vừa qua, Cao Sơn tiếp tục đầu tư máy khoan xoay cầu thủy lực CAT MD6250. Lãnh đạo công ty cho biết, thời gian tới, trên cơ sở thực tế, Cao Sơn sẽ nghiên cứu, đầu tư thêm các loại máy xúc hiện đại, thay thế dần các loại máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu.

Nhìn rộng ra, ở các đơn vị khai thác than lộ thiên của TKV đều cơ bản thực hiện cơ giới hóa (CGH) ở tất cả các khâu sản xuất. Đồng thời, áp dụng đồng bộ thiết bị CGH công suất lớn để giảm chi phí, như máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12 m3; hệ thống vận tải liên hợp ô-tô - băng tải; sử dụng máy cày xới thay thế một phần công nghệ khoan nổ mìn tại các khu vực phù hợp. Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, thời gian qua, TKV đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động khai thác, chế biến than. Đến nay, tập đoàn đã và đang làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới; chủ động chế tạo, nội địa hóa nhiều máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất. Việc đẩy mạnh CGH trong khai thác hầm lò cũng được TKV chú trọng, coi là nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng suất, sản lượng và bảo đảm an toàn lao động. Nhiều công nghệ tiêu biểu đã được áp dụng tại các đơn vị hầm lò như lò chợ CGH đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm; CGH kết hợp giá khung, giá xích; giàn chống mềm ZRY tại các khu vực vỉa dày trung bình, dốc đứng,… Các công nghệ tự động hóa, tin học hóa trong vận hành, điều khiển giám sát cũng được áp dụng triệt để, nhằm hiện đại hóa quá trình sản xuất, giảm lao động thủ công trực tiếp, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nhờ áp dụng hiệu quả cơ giới hóa, hiện đại hóa, sản lượng và năng suất khai thác than của một số đơn vị của TKV tăng lên đáng kể, góp phần giúp Tập đoàn thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh. TKV tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện tổ chức quản lý và sản xuất, phát triển ba trọng tâm: Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, coi đây là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí.

Nâng cao giá trị tài nguyên

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, năm 2019, TKV đạt sản lượng khai thác 40,5 triệu tấn than và tiêu thụ 44 triệu tấn. Đây là sản lượng cao nhất TKV đạt được kể từ năm 2014 đến nay. Cùng với tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, năm 2019 ghi nhận những kết quả rõ nét về tái cơ cấu của TKV với những giải pháp cốt lõi được triển khai. Đó là cơ giới hóa khai thác mỏ; tổ chức lại sản xuất và sắp xếp lao động, hướng đến mô hình “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, mỏ ít người” và “Cơ giới hóa, tự động hóa” trên tất cả các khối ngành sản xuất. Năm nay, TKV đặt mục tiêu sản xuất tương đương năm trước; tiêu thụ 49 triệu tấn; doanh thu 138 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 3.500 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện mô hình vừa sản xuất, vừa kinh doanh than; nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; chú trọng vào khối dịch vụ, hậu cần logistics. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư các dự án than đã phê duyệt, bảo đảm phát triển bền vững; đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất và điều hành, quản lý; chú trọng cơ giới hóa, tin học hóa nhằm nâng cao năng suất, giá trị tài nguyên, giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất.

TKV đã xác định rõ chủ trương đổi mới công nghệ trong Chiến lược phát triển bền vững của TKV tầm nhìn đến năm 2030 là không ngừng đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn ở các mỏ, xí nghiệp, nhà máy đang hoạt động; ứng dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư mới. Nhờ thực hiện đổi mới công nghệ, TKV không chỉ cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhân lực (giảm 97 nghìn người từ năm 2015 đến nay), mà còn nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, làm lợi cho TKV khoảng 450 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, TKV sẽ ứng dụng rộng rãi CGH đồng bộ và bán CGH vào các công đoạn sản xuất chính trong khai thác, chế biến. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hệ thống tự động hóa trong điều khiển, giám sát cung cấp điện, vận tải băng tải, thông gió, bơm nước và quan trắc môi trường; phấn đấu đến năm 2025, một số mỏ đạt mức tự động hóa cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng tập trung. Tập đoàn cũng sẽ nghiên cứu xây dựng một số trạm vận hành không người trực; thực hiện mô hình tự động hóa gắn với sản xuất thông minh ở một số công đoạn sản xuất.

Mới đây, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của TKV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh, yêu cầu phát triển mạnh ngành năng lượng là nhiệm vụ quan trọng, nhất là phải bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm nay, nhu cầu than cho sản xuất điện cần 50 triệu tấn, năm 2025 cần 76 triệu tấn và năm 2030 cần 100 triệu tấn. Vì vậy, TKV cần nâng cao năng lực của các đơn vị cơ khí để chế tạo các phụ tùng thiết bị, nội địa hóa một phần thiết bị nhập khẩu, hướng đến mục tiêu nội địa hóa đạt 50%. Đồng thời, áp dụng CGH đào lò và khai thác tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh, phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng rộng rãi CGH đồng bộ và bán CGH vào tất cả các công đoạn sản xuất chính từ khai thác, chế biến than, khoáng sản với mục tiêu sản lượng khai thác than CGH đồng bộ và mét lò chống neo chiếm khoảng 30% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò và số mét lò đào mới của Tập đoàn.

Bài và ảnh: QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/43979802-ung-dung-cong-nghe-moi-trong-san-xuat-than.html