Ứng dụng công nghệ mới trong kinh tế chia sẻ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trong đó, đồng ý thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.

Thời gian qua, kinh tế chia sẻ đã xuất hiện nhiều tại Việt Nam. Chẳng hạn, các hình thức xe công nghệ như: Uber, Grab, hay chia sẻ phòng khách sạn Airbnb… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về mô hình này, đặc biệt trong vấn đề quản lý nhà nước. Chính vì vậy, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, đề án còn đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm người cung cấp, sử dụng dịch vụ và DN cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Theo đề án, công tác quản lý nhà nước cần đảm bảo cho hoạt động kinh tế hợp pháp phát triển, trong đó có hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao nhận thức và năng lực của DN, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ. Cơ quan quản lý cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa DN hoạt động kinh tế chia sẻ và DN kinh doanh truyền thống, giữa DN trong nước và DN nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ DN truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ. Chính phủ khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, gồm: Nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ; người sử dụng dịch vụ; DN công nghệ/DN cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ và nhóm giải pháp đối với nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng giao các bộ, ngành xây dựng các quy định trong lĩnh vực quản lý hỗ trợ kinh tế chia sẻ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế thí điểm cho vay ngang hàng, cơ chế cho hoạt động Fintech trong ngân hàng và thanh toán điện tử. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa các luật giao thông, hướng dẫn triển khai quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ôtô.

Quan điểm của đề án là ủng hộ, thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ung-dung-cong-nghe-moi-trong-kinh-te-chia-se-123816.html