Ứng dụng công nghệ, làm chủ trang bị kỹ thuật xăng dầu mới

Một trong những bài học kinh nghiệm mà Cục Hậu cần (Quân khu 3) rút ra trong công tác bảo đảm xăng dầu phục vụ huấn luyện, SSCĐ là làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có, chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ mới.

Điều này càng được thể hiện rõ nét qua lớp tập huấn bộ kho xăng dầu dã chiến cơ động do Cục Hậu cần (Quân khu 3) phối hợp với Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần (TCHC) tổ chức.

Giữa tháng bảy, nắng như đổ lửa, mặc cho nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 40 độ C, nhưng tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 653 (Cục Hậu cần, Quân khu 3), các cán bộ, nhân viên ngành xăng dầu thuộc các đơn vị trong quân khu vẫn tập trung cao độ nắm bắt phương pháp triển khai vận hành bộ kho xăng dầu dã chiến PSG-600 và DC-100 do đội mẫu thuộc Kho K661, Cục Xăng dầu (TCHC) thực hiện. Sau khi quan sát thao tác mẫu, các học viên đã nắm bắt tốt và triển khai khá chuẩn thứ tự lắp đặt bộ kho xăng dầu dã chiến PSG-600 và DC-100. Được biết, bộ kho xăng dầu dã chiến PSG-600 và DC-100 là những phương tiện, khí tài mới mà Quân khu 3 được trang bị. Hai bộ khí tài này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các kho xăng dầu dã chiến trước đây, đặc biệt là gọn, nhẹ, tính cơ động SSCĐ cao...

 Các học viên thực hành lắp hệ thống công nghệ bộ kho xăng dầu dã chiến PSG-600.

Các học viên thực hành lắp hệ thống công nghệ bộ kho xăng dầu dã chiến PSG-600.

Thượng tá Trần Quốc Hùng, Phó trưởng phòng Xăng dầu (Cục Hậu cần, Quân khu 3) trao đổi với chúng tôi: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành xăng dầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác xăng dầu trong tình hình mới, đặc biệt là làm chủ phương tiện, khí tài mới là yêu cầu cấp thiết. Do vậy, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho thủ trưởng cấp trên triển khai tập huấn hai bộ khí tài mới PSG-600 và DC-100 nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành xăng dầu trong toàn quân khu”.

Bồi dưỡng nâng cao trình độ, khả năng làm chủ VKTBKT, nhất là những trang bị mới, hiện đại là nội dung công tác được ngành xăng dầu toàn quân nói chung và Quân khu 3 nói riêng rất quan tâm. Lớp tập huấn bộ kho xăng dầu dã chiến cơ động PSG-600 và DC-100 lần này diễn ra từ ngày 15 đến 23-7. Những nội dung cơ bản mà cán bộ, nhân viên tham gia tập huấn được học tập, nghiên cứu là: Cấu trúc và thiết bị của bộ kho xăng dầu dã chiến PSG-600 và DC-100; thứ tự, phương pháp triển khai vận hành và thu hồi, bảo quản, sửa chữa... Để lớp tập huấn đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, ngay sau khi có kế hoạch, Cục Xăng dầu (TCHC) đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Kho 661 trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ Cục Hậu cần, Quân khu 3 tổ chức tốt các nội dung tập huấn. Khi bước vào tập huấn, các đơn vị liên quan đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Việc duy trì kỷ luật và các quy định, công tác bảo đảm an toàn được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. “Để học viên tiếp cận nhanh các nội dung, chúng tôi đã tiến hành xây dựng giáo trình, tài liệu và cấp phát để ngoài thời gian lên lớp tập trung, các học viên có thể tự nghiên cứu. Tại thực địa, chúng tôi sử dụng đội mẫu triển khai từng hạng mục, mỗi hạng mục đều có sự hướng dẫn của giảng viên, mọi thắc mắc được giải đáp ngay...”-đó là chia sẻ của Thiếu tá Lê Ngọc Khánh, giảng viên lớp tập huấn.

Nhờ phương pháp truyền đạt phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết tập trung và thao tác tại thực địa nên khi triển khai các nội dung, học viên nắm chắc và thao tác khá nhanh, chuẩn xác. Đại úy Lưu Quang Thái, trợ lý xăng dầu Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình vừa chăm chú theo dõi từng hành động, vừa ghi chép cẩn thận từng lưu ý của giảng viên. Anh chia sẻ: “Đây là những nội dung quan trọng, chúng tôi là những người trực tiếp thực hiện tại cơ sở, do vậy phải quan sát thật kỹ mới có thể nắm vững kỹ năng, đặc tính kỹ thuật và quy trình vận hành của từng loại trang bị, đồng thời làm tốt công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng an toàn và hiệu quả”.

Từ lớp tập huấn do Cục Hậu cần (Quân khu 3) phối hợp với Cục Xăng dầu (TCHC) tổ chức, chúng tôi nhận thấy, trước sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ hiện nay, sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên là rất quan trọng. Bên cạnh đó là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị. Bài học không bao giờ cũ từ thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần nói chung và bảo đảm xăng dầu nói riêng ở Quân khu 3 là phải luôn làm chủ VKTBKT hiện có, chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đó là một trong những yếu tố để tạo được sự phát triển đột phá cho đơn vị.

Bài và ảnh: NGUYỄN LINH - VĂN VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ung-dung-cong-nghe-lam-chu-trang-bi-ky-thuat-xang-dau-moi-627498