Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất

Đẩy mạnh ứng dụng tin học, tự động hóa vào sản xuất và quản lý đang được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quyết liệt triển khai nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo an toàn, giảm số lao động trong dây chuyền sản xuất.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), TKV đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động số 188/CTr-TKV về việc tập trung đẩy mạnh ứng dụng tin học, tự động hóa vào sản xuất quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030 với trọng tâm là thực hiện một số dự án tiêu biểu trong từng lĩnh vực theo huớng chuyển giao công nghệ, nhập khẩu hệ thống, thiết bị kỹ thuật hiện đại đi cùng với nghiên cứu, chế tạo, nội địa hóa sản phẩm, thiết bị phù hợp với điều kiện môi trường làm việc của ngành.

Đầu tư công nghệ giúp ngành than nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Cụ thể, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại tập đoàn theo hướng tăng hiệu quả sử dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế; triển khai phần mềm hệ thống giám sát lưu chuyển than và hoàn thiện tích hợp số liệu tự động tại các trạm cân điện tử. Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng phần mềm tích hợp trong thiết kế, quản lý khai thác than, từ lập kế hoạch, quản lý sản phẩm tại mỏ đến xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu địa chất. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý bán hàng tích hợp với quản lý hóa đơn điện tử. Chuẩn bị điều kiện để triển khai phần mềm báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn. Đặc biệt, xây dựng trung tâm dữ liệu và điều hành sản xuất hiện đại tại hai văn phòng Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh); xây dựng hệ thống báo cáo điều hành sản xuất toàn tập đoàn theo mô hình ngân hàng dữ liệu.

Đối với lĩnh vực tự động hóa, tập trung xây dựng hạ tầng mạng điều khiển và truyền thông số tốc độ cao. Mặt khác, triển khai hệ thống tự động hóa trong các khâu sản xuất như tự động hóa thông gió và giám sát an toàn khí mỏ ở các mỏ than; giám sát và điều khiển mạng cung cấp điện; tự động hóa điều khiển giám sát hầm bơm trung tâm, trạm nén khí, cửa gió; tự động hóa tuyến băng tải vận tải chính, điều vận tàu điện; xây dựng hệ thống giám sát điều độ tập trung, hệ thống thông tin liên lạc, định vị nhân sự, hệ thống giám sát và quản lý nhiên liệu tiêu thụ phương tiện thiết bị mỏ lộ thiên... Ngoài ra, hoàn thiện, nâng cao mức tự động hóa tối đa trong các nhà máy tuyển than, nhà máy chế biến khoáng sản, điện lực, xi măng...

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhận định, hoạt động khoa học - công nghệ đóng vai trò quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành than. Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị thuộc TKV xây dựng nhiệm vụ lớn nhằm làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo một số thiết bị khai thác, chế biến than, giảm chi phí sản xuất, giảm phụ thuộc nhập khẩu trang thiết bị khai thác than như: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tiên tiến trong khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống các thiết bị phục vụ cơ giới hóa – tự động hóa trong đào lò và khai thác, vận chuyển than tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh. Điều này sẽ giúp ngành than nhanh chóng nắm bắt các xu hướng phát triển mới, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ trương trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo của TKV là triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại vào tất cả các khâu sản xuất từ khai thác đến chế biến, vận chuyển than. Đây cũng là nền tảng để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ung-dung-cong-nghe-hien-dai-trong-san-xuat-110561.html