Ứng dụng công nghệ đèn led: Hướng đi mới trong khai thác thủy sản

Ứng dụng công nghệ đèn led đang được cho là hướng đi mới trong khai thác thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh. Đây là công nghệ thân thiện với môi trường do giảm lượng khí thải CO2 và có thể tiết kiệm từ 50-70% chi phí nhiên liệu.

Sở NN&PTNT và các chuyên gia về ánh sáng kiểm tra đèn led trước khi lắp đặt tại tàu của ngư dân TX Quảng Yên.

Sở NN&PTNT và các chuyên gia về ánh sáng kiểm tra đèn led trước khi lắp đặt tại tàu của ngư dân TX Quảng Yên.

Nắm bắt xu hướng phát triển của công nghệ đèn led, từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn led cho tàu khai thác hải sản xa bờ. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến nông là 150 triệu đồng kết hợp vận động chủ tàu trang bị thêm, Trung tâm đã tổ chức lắp đặt trên tàu nghề chài chụp của ông Nguyễn Văn Đãng (phường Hà An, TX Quảng Yên) và tàu pha xúc của ông Nguyễn Đăng Dựng (phường Phong Hải, TX Quảng Yên). Số lượng đèn thử nghiệm là 78 chiếc (18 chiếc loại 200W, 60 chiếc loại 300W).

Qua đánh giá bước đầu, các thử nghiệm trên mới ở mức độ “bổ sung ánh sáng”, chưa có kết quả rõ nét. Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiếp tục vận động, phối hợp với các doanh nghiệp, chủ tàu và các nhà khoa học để tìm kiếm nguồn kinh phí lắp đặt thay thế hoàn toàn cho 2 tàu chài chụp (tàu của ông Đỗ Văn Thành ở TX Quảng Yên và ông Đinh Hữu Hường, nghiệp đoàn đánh cá TP Cẩm Phả). Tổng số đèn led đưa vào thử nghiệm là trên 500 chiếc, tổng giá trị thử nghiệm là trên 2 tỷ đồng.

Các kết quả từ thử nghiệm trên đã cho thấy đèn led mang lại rất nhiều ưu điểm cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ. Cụ thể, đối với tàu chài chụp, hiệu quả của chuyến đi biển tăng từ 25-35% do chi phí dầu máy phát điện ít hơn 42% (mỗi đêm giảm trung bình 180 lít dầu). Còn đối với tàu pha xúc, sản lượng đánh bắt tăng không nhiều nhưng tàu tiết kiệm được 12 triệu đồng tiền dầu mỗi tháng.

Ông Đỗ Văn Thành (TX Quảng Yên), một trong những chủ tàu được hỗ trợ đầu tư đèn led cho biết: Cùng với những ưu điểm về tiết kiệm nhiên liệu, giảm xả thải ra môi trường, việc sử dụng đèn led đã giúp cho công nhân làm việc trên tàu cảm thấy dễ chịu và thoải mái khi nhiệt độ trên boong tàu không tăng so với môi trường, thị lực ổn định, máy tàu vận hành nhẹ nhàng.

Theo tính toán, thời gian khai thác trên biển trong năm của mỗi tàu đi biển là khoảng 200-250 đêm. Quảng Ninh hiện có 102 tàu chài chụp, nếu sử dụng hoàn toàn đèn led thì mỗi đêm tiết kiệm được khoảng 18.360 lít dầu và tiết kiệm xả thải 55.080 kg khí CO2/đêm. Điều này rất ý nghĩa trước yêu cầu bức thiết của xã hội là giảm phát thải nhà kính trong điều kiện Việt Nam chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal nhằm bảo vệ tầng ôzôn. Đồng thời, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Mặc dù áp dụng công nghệ đèn led cho tàu chài chụp khai thác thủy sản có nhiều ưu điểm, lợi thế rõ ràng so với đèn truyền thông (đèn siu) trên các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, song thực tế, việc nhân rộng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất chưa có cơ hội giảm giá thành hoặc giảm giá thành chậm do đầu tư dây chuyền công nghệ ban đầu rất cao. Dẫn đến chi phí thay thế ban đầu lớn gấp hơn 2 lần so với đèn siu. Chính vì vậy chúng tôi rất mong các địa phương sẽ cùng với ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tác động vào nhận thức, tập quán để bà con ngư dân mạnh dạn đầu tư, đưa công nghệ mới vào khai thác, đánh bắt.

Nguyễn Bá Lâm (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202003/ung-dung-cong-nghe-den-led-huong-di-moi-trong-khai-thac-thuy-san-2476828/