Ứng dụng công nghệ cao trong ngành dệt may

Doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cường hợp tác kỹ thuật và số hóa với doanh nghiệp Hàn Quốc để cải thiện sản xuất và tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã khẳng định rằng, tăng tốc và đổi mới đang được xem là 2 yếu tố tạo nền tảng thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cường hợp tác kỹ thuật và số hóa với doanh nghiệp Hàn Quốc để cải thiện sản xuất và tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cường hợp tác kỹ thuật và số hóa với doanh nghiệp Hàn Quốc để cải thiện sản xuất và tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

Tăng tốc và đổi mới là nền tảng

Có lẽ, điều này cũng đã phần nào giải thích được tính chủ động của các doanh nghiệp dệt may khi chọn cách hợp tác cùng với các đối tác có trình độ công nghệ sản xuất cao ở các thị trường dệt may phát triển.

Là một trong những nhà sản xuất vải dệt lớn nhất và hiện đại nhất tỉnh Nam Định trong những năm qua, Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh đã áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế và sản xuất nhiều loại vải tầm trung đến vải cao cấp.

Theo chia sẻ của ông Vũ Thành Công, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh "Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất đã giúp doanh nghiệp giảm số lượng công nhân trực tiếp và liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất. Đồng thời, nhờ có tự động hóa, doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm soát hoạt động của toàn bộ nhà máy, nhanh chóng phát hiện và xử lý các sự cố".

Được biết, hiện nay Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh đang quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế và tạo mẫu do đối tác đến từ Hàn Quốc là Clo Virtual giới thiệu.

Việc ứng dụng công nghệ 3D vào hoạt động thiết kế, tạo mẫu trong ngành dệt may không mới, tuy nhiên, công nghệ 3D đã giúp các nhà thiết kế rút ngắn thời gian trong việc lên bảng vẽ mẫu, thay vì mất 2 - 3 tuần, giờ đây chỉ cần vài giờ, đáp ứng yêu cầu của xu hướng thời trang nhanh hiện nay.

Theo quy trình truyền thống, tính từ lúc vẽ phác thảo đến khi khách hàng duyệt chốt mẫu phải cần đến 30 - 50 tuần, nếu ứng dụng công nghệ 3D thì chỉ cần 5 - 9 tuần, nhờ các thao tác chỉnh sửa có thể làm ngay nên không tốn nhiều thời gian.

Trong bối cảnh, vòng đời xu hướng thời trang không còn theo mùa thay vào đó chỉ tồn tại từ 4-5 tuần thì việc rút ngắn thời gian tạo ra sản phẩm và phân phối ra thị trường là rất quan trọng. Đây chính là yếu tố tăng tốc mà ông Giang đã nhắc đến ở trên.

Hợp tác để bổ trợ lẫn nhau

Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian trong quy trình sản xuất mà còn góp phần giúp giảm lãng phí vải thừa cũng như tạo ra các sản phẩm tinh tế hơn.

Ông Kim Kwang Il, đại diện của Clo Virtual nhận định rằng, các nhà thiết kế có thể sử dụng công nghệ 3D để thay thế công việc thiết kế như đo lường và chọn màu. Đồng thời, công nghệ 3D sẽ giảm đáng kể thời gian cho thiết kế và đáp ứng tất cả các yêu cầu về kích thước, màu sắc và kiểu dáng

"Chúng tôi mong muốn tìm được đối tác tại Việt Nam và chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ này với sự hỗ trợ tích cực nhất", ông Kim Kwang Il nhấn mạnh.

Nhìn rộng hơn, ông Nam Seung II - Giám đốc Nghiên cứu về kinh doanh thời trang thuộc Tập đoàn E-Land cho biết, trong ngành thời trang, vấn đề chất lượng và tốc độ luôn được nhắc đến, nhưng quan trọng hơn vẫn là chất liệu. Thế nên, đầu tư cho chất liệu là yếu tố quan trọng của ngành nguyên phụ liệu may, cụ thể là vải.

Mặc dù, ngành dệt may Việt Nam có nền tảng tốt với nhiều lợi thế, trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay chỉ đơn giản dựa vào chi phí lao động giá rẻ là không đủ và phải có công nghệ mới để hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, như nhận định của ông Eu Joong Kim, cố vấn thương mại tại Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

"Nếu các doanh nghiệp dệt may không quan tâm đến công nghiệp 4.0 và có kế hoạch ứng dụng tự động hóa trong sản xuất và kinh doanh, họ sẽ bị loại khỏi thị trường", ông Kim nhấn mạnh.

Vì vậy, việc hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nguồn gốc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA mà còn bổ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh "cuộc chiến" tận dụng lợi thế xuất xứ đang ngày càng khắt khe.

Bởi, các sản phẩm làm từ nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được tính là có nguồn gốc Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Điều đó không chỉ mang lại lợi thế cho hàng dệt may Việt Nam, mà còn là cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp dệt may của Hàn Quốc.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-chu-dong-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-hoat-dong-san-xuat-vai-154416.html