Ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo trong kiểm toán

Kiểm toán Nhà nước đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong các hoạt động kiểm toán như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai kiểm toán từ xa, sử dụng công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm trong kiểm toán tài nguyên, môi trường…

Năm 2020: Kiến nghị xử lý tài chính 60.000 tỷ đồng

Sáng 5/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2021. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, trước tình hình đặc biệt của năm 2020 với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, KTNN đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số kết quả như KTNN đã chủ động điều chỉnh kế hoạch các cuộc kiểm toán, xây dựng phương án và tổ chức kiểm toán khoa học, phù hợp với diễn biến của đại dịch. Kết thúc năm 2020, KTNN đã hoàn thành kế hoạch kiểm toán đề ra và các cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội.

Năm 2020 đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60 nghìn tỷ đồng, chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 119 văn bản pháp luật; tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đạt khá (73,4%); cung cấp 131 báo cáo kiểm toán, tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra giám sát.

Công tác hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, trong năm 2020, KTNN đã xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030. "Đây là vấn đề quan trọng giúp KTNN có cơ sở từng bước nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và Luật KTNN" - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy, đội ngũ KTNN liên tục được củng cố và hoàn thiện. Hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN không ngừng được mở rộng, thiết thực và hiệu quả. KTNN đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của đất nước Việt Nam nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, KTNN đã đưa vào sử dụng Phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành trên thiết bị di động, giúp cho cán bộ, lãnh đạo các cấp của KTNN xử lý văn bản, tra cứu thông tin, theo dõi hoạt động kiểm toán nhanh chóng và chính xác..., hướng tới văn phòng không giấy tờ, thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số trong tương lai.

Bước sang năm 20201, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý KTNN một số nội dung trọng tâm, trong đó có việc khẩn trương xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và thi hành Luật KTNN sửa đổi, bổ sung để Chiến lược phát triển KTNN, các quy định của Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản quản lý nhà nước có liên quan để đảm bảo hoạt động KTNN một cách hiệu quả; chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.

Ứng dụng công nghệ cao trong nhiều cuộc kiểm toán

Phát biểu cám ơn và tiếp thu các ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết KTNN sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo để đặt ra các giải pháp hoàn thành hiệu quả, xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo thêm về một số hoạt động của KTNN, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm vừa qua, một điểm nhấn đáng chú ý là KTNN đã tập trung phát triển, mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán. Cụ thể như đã phát triển 18 phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán, bao gồm phần mềm nhật ký điện tử online kiểm soát hoạt động của các kiểm toán viên từ xa, phần mềm tổng hợp kết quả kiểm toán, phần mềm kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng trung tâm dữ liệu để thực hiện thu thập thông tin các đơn vị kiểm toán.

Tới đây, KTNN sẽ kết nối liên thông dữ liệu và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm toán, phân tích dữ liệu. Trong tương lai, KTNN sẽ tập trung thực hiện kiểm toán ngay tại trụ sở, tức là sẽ kiểm toán từ xa, trừ khi cần phải xác minh, điều tra, giải trình.

Ngoài ra, để bắt kịp xu thế cách mạng 4.0, KTNN đã phát triển loại hình kiểm toán mới là kiểm toán CNTT để kiểm toán hệ thống kỹ thuật của CNTT. Theo đó đã thực hiện kiểm toán hệ thống CNTT tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vietcombank… từ đó chỉ ra những tiện ích, hiệu quả, và vấn đề trong thực hiện vận hành.

Trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững, KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán về môi trường ở các khu công nghiệp, kiểm toán túi nilon ở TP.Hồ Chí Minh... Đặc biệt, KTNN đã có sáng kiến đề xuất các nước bên cạnh sông Mê Kông thực hiện kiểm toán chung về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông. Cuộc kiểm toán với sự tham gia của Việt Nam, Thái Lan, Myamar dự kiến tiến hành trong quý I và công bố kết quả vào cuối năm.

Trong từng loại hình kiểm toán cụ thể, KTNN cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả kiểm toán như công nghệ siêu âm để xác định cọc chìm trong lòng đất, từ đó có công trình xác định giảm tới 400 tỷ đồng; ứng dụng công nghệ viễn thám để tính toán trữ lượng khai thác khoáng sản tại Hải Phòng, từ đó tính ra thuế tài nguyên khoáng sản phải nộp và truy thu là gần 1.000 tỷ đồng…; ứng dụng công nghệ viễn thám để kiểm toán diện tích rừng Tây Nguyên…

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2021-01-05/ung-dung-cong-nghe-cao-tri-tue-nhan-tao-trong-kiem-toan-97855.aspx