Ứng dụng công nghệ Blockchain vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm

Trong khuôn khổ Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018 diễn ra ngày 24/4 vừa qua tại Hà Nội, một doanh nghiệp Việt Nam đã công bố việc hợp tác với ba tập đoàn nông nghiệp lớn của Thái Lan để ứng dụng công nghệ Blockchain vào quy trình sản xuất và cung ứng sản phẩm.

Đây là một trong những ví dụ sinh động về tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào từng lĩnh vực cụ thể của đời sống, trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0.

Diễn Đàn Nông Nghiệp Mùa Xuân 2018 với chủ đề “Minh bạch hóa chuỗi cung ứng bằng công nghệ Blockchain” được tổ chức ngày 24/4/2018, tại Hà Nội. Trong đó, việc áp dụng công nghệ quản trị hiện đại (bao gồm truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi, chuỗi lạnh...) được đặt ra như một trong những giải pháp để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản.

Trong khuôn khổ sự kiện này, công ty Cổ Phần LINA NETWORK đã giới thiệu một ứng dụng thực tiễn của công nghệ Blockchain nhằm minh bạch hóa nguồn gốc và chất lượng sản phẩm với tên gọi LINA SUPPLY CHAIN.

Ứng dụng này nằm trong một hệ sinh thái công nghệ Blockchain rộng lớn bao gồm nhiều nhà kinh doanh (merchant) và người dùng, được đặt tên là LINA.NETWORK. Nền tảng LINA được tối ưu hóa bằng thiết kế Hybrid, hay tạm gọi là thiết kế “lai”. Nhờ vậy, LINA SUPPLY CHAIN đảm bảo được việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm nào đó trong thời gian thực.

Khi áp dụng vào thực tiễn trong chuỗi cung ứng, nền tảng LINA sẽ mang lại nhiều giá trị, mà cụ thể nhất là khả năng hiển thị minh bạch, tối ưu hóa quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc gần như tức thời.

Chia sẻ thêm về nền tảng này, ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần LINA NETWORK - cho biết: "Với chuỗi cung ứng thông thường sẽ luôn có các “điểm mù” (blind spot) trên chuỗi (chain), ví dụ liệu người bán có gửi đủ đơn đặt hàng hay không, hay tàu chở hàng cập bến hay chưa? Ứng dụng công nghệ Blockchain vào đó có thể cho phép thể hiện chi tiết 1 tài sản (asset) trong hệ thống đang ở đâu và ở trạng thái nào, tại bất kỳ thời điểm nào, ai đang nắm quyền lưu giữ sản phẩm đó... Cùng đó, với các thông tin trên, các tổ chức trong chuỗi cung ứng có thể “dự đoán” được là khi sản phẩm đến nơi, sẽ có trạng thái như thế nào..., qua đó tối ưu hóa (optimization) được quy trình. Vì dữ liệu trong Blockchain là hoàn toàn minh bạch với tất cả mọi người và được cập nhật gần như tức thời, nên khi cần có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gần như mọi lúc ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu".

HIện, LINA NETWORK đã đạt được thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với ba tập đoàn nông nghiệp lớn của Thái Lan để ứng dụng công nghệ này. Cụ thể, đó là Tập đoàn ChokChai chuyên về chăn nuôi bò sữa, phạm vi ứng dụng trong các dây chuyển sản xuất và cung ứng sữa và các chế phẩm từ sữa; Tập đoàn S.A.P Siam Food International Co. Ltd, và Tập đoàn AIM THAI, ứng dụng trong việc theo dõi sản phẩm chế biến từ trái cây.

Theo Nhịp sống số

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ung-dung-cong-nghe-blockchain-vao-chuoi-san-xuat-cung-ung-nong-san-thuc-pham-2018042603041686p145c151.news