Ứng dụng công nghệ 3D trong bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình

Bản tin dự báo thời tiết luôn luôn hấp dẫn khán giả với những phần đồ họa độc đáo và thú vị. Gần đây, các bản tin dự báo thời tiết không chỉ trình diễn đồ họa ở phía sau lưng người dẫn mà còn tạo ra bối cảnh thời tiết ngay trong trường quay.

BTV Tùng Thư và bản tin dự báo thời tiết sử dụng công nghệ 3D.

Những hình ảnh ấn tượng này không khỏi khiến khán giả tò mò về những“bí mật” công nghệ nằm sau những sản phẩm này.

Cuộc trò chuyện với BTV Tùng Thư - Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo Thiên tai - Đài Truyền hình Việt Nam, người tổ chức sản xuất kiêm dẫn chương trình những bản tin dự báo thời tiết có phần đồ họa đặc biệt này sẽ làm rõ phần nào những câu hỏi ấy.

Xin chào chị Tùng Thư, chị có thể cho biết về công nghệ mà VTV đang áp dụng để đổi mới các bản tin dự báo thời tiết trên sóng?

- Vâng, quý vị khán giả có thể thấy là trong 1 năm trở lại đây, chúng tôi đã có sự đổi mới đáng kể cho bản tin dự báo thời tiết phát sóng vào lúc 19h45 chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV1, cả về mặt nội dung và hình thức. Bản tin này của chúng tôi có thời lượng 3 - 4 phút, dài gấp đôi các bản tin bình thường.

Nội dung đề cập đến những thông tin dự báo dài hạn, đặc biệt chú trọng đến tính cảnh báo thiên tai. Vì vậy, để gây ấn tượng hơn với khán giả, để khán giả nhớ đến thông tin hơn, chúng tôi đã rất đầu tư về công nghệ đồ họa.

Chúng tôi tạo ra các bối cảnh về ngập úng, mưa dông, cháy, sét ngay trong trường quay... Đi kèm còn có cả tiếng động trực quan nữa. Tất cả những bối cảnh này được tạo dựng nhờ công nghệ 3D - trường quay ảo.

Công nghệ 3D được áp dụng ở đây có gì khác biệt so với bình thường?

- Chúng tôi vẫn dùng công nghệ 3D đang được áp dụng trong lĩnh vực truyền hình. Cái đặc biệt ở đây chính là nhờ các mô phỏng trực quan, khán giả lần đầu tiên trên sóng truyền hình sẽ được thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan một cách dễ hiểu nhất. Với thiết kế có tỉ lệ chuẩn giữa người dẫn và bối cảnh thời tiết, người xem có thể hình dung ra rõ ràng hơn.

Các họa sỹ đồ họa của chúng tôi đều là những người có kinh nghiệm lâu năm làm về thời tiết. Các bạn ấy không chỉ làm việc ở trụ sở mà thường xuyên đi công tác để nắm bắt thực địa và khảo sát hiện trường.

Vì vậy, những mô phỏng mà các bạn ấy làm gần với thực tế hơn: Đúng về tỉ lệ bối cảnh, đúng về hiện tượng thời tiết, thiên tai... Tính chân thực còn được tăng lên nhiều lần nhờ sự phối hợp với tiếng động và âm thanh nữa.

Người xem luôn tò mò là có phải trường quay của thời tiết đều là “vườn không nhà trống”, chỉ có key xanh thôi phải không?

- Vâng, đúng là như vậy. Đó là trường quay cơ bản của một bản tin thời tiết. Bản tin dự báo dài hạn cũng vậy. Tuy nhiên trong bản tin này chúng tôi có phối hợp giữa set ảo và set thật nữa. Có một số thông tin chúng tôi muốn khán giả tập trung vào các con số nên sẽ đưa về màn hình thật để phân tích kỹ hơn.

Vậy với một trường quay “vườn không nhà trống” như vậy thì người dẫn sẽ phải tương tác như thế nào cho chuẩn?

- Điều này cũng là một “bí mật” nữa. Thực ra dẫn thời tiết khá là đặc thù. Người dẫn phải tập rất nhiều lần và nhiều tháng với những trường quay “vườn không nhà trống” như thế này trước khi trở thành người dẫn chính thức.

Một, hai phút lên sóng là thành quả có khi của cả năm trời tập luyện. Các bạn ấy sẽ phải học tương tác với đồ họa qua các monitor (màn hình). Chúng tôi có các monitor các góc trường quay. Khi nhìn vào đó, người dẫn sẽ nhìn thấy đồ họa để biết cần phải chỉ vào đâu, chạm vào đâu.

Ngoài ra, người dẫn còn phải học cách vẽ ảo, kiểu như là khoanh đỏ vào chỗ này chỗ kia để tăng tính hấp dẫn cho hình ảnh, để khán giả chú ý hơn nữa đến thông tin mình đang nói.

Riêng với bản tin thời tiết 19h dài hạn, phần tương tác với công nghệ 3D sẽ còn khó hơn vì trường quay khá rộng, có nhiều camera bắt các khuôn hình khác nhau. Người dẫn cần phải chú ý và tập luyện nhiều hơn nữa để các di chuyển trong trường quay được hợp lý và không bị lỡ nhịp với sự xuất hiện của mô phỏng.

Tôi thấy chị nhắc nhiều đến cụm từ “mô phỏng”? Đó chính là bí quyết của công nghệ “biến không thành có” trong dự báo thời tiết phải không?

- Vâng, đúng là như vậy. Mỗi một bản tin của tuần, chúng tôi đều họp êkíp từ rất sớm. Lựa chọn vấn đề làm nội dung, tính toán phần sẽ làm 3D ảo và bàn bạc rất kỹ phần trình diễn đó. Họa sỹ sẽ phải mất cả tuần để thực hiện những phần “mô phỏng” này.

Ở đây, chúng tôi dùng công nghệ để cụ thể hóa và hiện thực hóa các hiện tượng thời tiết, giúp khán giả hình dung dễ hơn về các thông tin dự báo chứ không phải áp dụng công nghệ gì trong công tác dự báo. Hai khái niệm này đôi khi cũng bị nhầm lẫn.

Có thể hiểu là 3D chính là chìa khóa công nghệ để bản tin dự báo thời tiết đẹp và sống động như hiện nay phải không ạ? Cảm ơn chị với những “bật mí” này.

THẾ VINH (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ung-dung-cong-nghe-3d-trong-ban-tin-du-bao-thoi-tiet-tren-truyen-hinh-636834.ldo