Ứng dụng CNTT trong y tế: Nhiều tín hiệu vui

Nhờ ứng dụng CNTT, các cơ sở y tế đã gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, rút ngắn thời gian chờ khám của người dân…

Nhờ ứng dụng CNTT, các cơ sở y tế đã gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, rút ngắn thời gian chờ khám của người dân…

Rút ngắn thời gian chờ khám

Đã hơn nửa năm nay kể từ khi chính thức đưa vào vận hành Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital, Bệnh viện Đa khoa Vinh đã không còn tình trạng người bệnh phải xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi đến lượt khám, ùn ứ tại khu vực tiếp nhận và khám bệnh. Thay vì chỉ đón tiếp được khoảng 300-500 người mỗi ngày, đến nay bệnh viện đã có thể tiếp đón từ 1600-1800 bệnh nhân chỉ trong vòng 2 tiếng.

Hay như tại BV Bạch Mai, việc ứng dụng hệ thống FPT.eHospital đã giúp bệnh viện tiếp đón số lượng bệnh nhân rất lớn (có thời điểm lên tới 9.000 bệnh nhân/ ngày). Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh sau khi sử dụng phần mềm tăng 15-20%.

Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ mất 15 giây đến 1 phút cho thủ tục đăng ký. Đáng nói, quy trình thanh toán viện phí hay các thủ tục về bảo hiểm y tế cũng giảm từ 30 phút/1 bệnh nhân xuống chỉ còn 3-5 phút. Bạch Mai cũng là bệnh viện triển khai thành công tiện ích thanh toán không cần dùng tiền mặt.

Hướng đến bệnh viện thông minh

Những kết quả ghi nhận tại bệnh viện Bạch Mai, Đa khoa Vinh đã phần nào minh chứng cho hiệu quả rõ ràng mà CNTT mang lại cho ngành y tế. Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có nhiều tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có y tế, đòi hỏi các bệnh viện, cơ sở y tế cần không ngừng đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và hiệu suất hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh từ năm 2018 các bệnh viện phải tự chủ tài chính.

Người khám bệnh xếp hàng quẹt thẻ BHYT tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh (nguồn ảnh: Báo Nghệ An)

Người khám bệnh xếp hàng quẹt thẻ BHYT tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh (nguồn ảnh: Báo Nghệ An)

Ông Vương Quang Hậu - Giám đốc tư vấn khối ngành y tế công ty Hệ thống Thông tin FPT cho biết, đến nay hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh đã quan tâm đầu tư CNTT với nhiều mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, phần lớn hệ thống phần mềm quản lý tại các bệnh viện hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên nền công nghệ cũ, mức độ giải quyết các yêu cầu nghiệp vụ chưa sâu, qui trình nghiệp vụ còn phức tạp, buộc bệnh nhân phải đi lại nhiều lần cho thanh toán và thực hiện dịch vụ, chưa đáp ứng yêu cầu dữ liệu tập trung, kết nối các bệnh viện trong cùng hệ thống…

Trong khi đó, các nhu cầu hiện đại hóa quy trình tác nghiệp, chuyển đổi số toàn diện hoạt động bệnh viện, nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng điều trị, nâng cao sự hài lòng bệnh nhân… của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo ngành y tế đang ngày càng cấp thiết.

Các bác sĩ, điều dưỡng rất cần những tiện ích CNTT, bệnh án điện tử trên các thiết bị di động… hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh, giảm rủi ro sai sót trong y khoa... Người bệnh cũng mong muốn được thuận tiện hơn trong suốt quá trình khám chữa bệnh, được bệnh viện thông tin kịp thời, đầy đủ, được chủ động thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh, thanh toán online thông qua các kiosk tự phục vụ, các ứng dụng trên thiết bị di động…

Nhờ ứng dụng FPT.eHospital, các bác sĩ tại BV Đa khoa VInh có thể truy xuất hồ sơ bệnh án, theo dõi và chăm sóc người bệnh trên các thiết bị di động

Nắm bắt được nhu cầu của các bệnh viện cũng như xu hướng phát triển của công nghệ trên thế giới, vừa qua Bộ Y tế có ban hành thông tư 54/2017/TT-BYT về bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện nhằm thúc đẩy việc đưa các công nghệ mới vào công tác khám chữa bệnh và quản lý y tế, hướng tới bệnh viện thông minh.

Trong bộ tiêu chí này được chia làm 7 mức. Nếu bệnh viện nào đạt được đến mức 6-7 (được trang bị phần mềm quản lý thông tin bệnh viện - HIS, phần mềm quản lý xét nghiệm - LIS, phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh - PACS, phần mềm bệnh án điện tử - EMR, có kiosk thông tin cho phép bệnh nhân tra cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...) thì được coi là viện thông minh.

PGS. TS - Thầy thuốc Nhân dân Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT của Bộ Y tế cho biết, ngay sau thông tư ra đời đã có nhiều bệnh viện đăng ký đạt mức 5-6. Để đạt được điều đó thì trước mắt, các bệnh viện cần phải lựa chọn giải pháp công nghệ đáp ứng được theo yêu cầu mà Bộ Y tế đã đề ra, đồng thời phù hợp với mô hình hoạt động của từng đơn vị, đặc biệt là lựa chọn đơn vị triển khai có uy tín và kinh nghiệm để đảm bảo sự thành công là điều mà các chuyên gia khuyến nghị.

Ngoài sự quyết tâm của các bệnh viện, hiện nay các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như FPT cũng đang đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới như AI, BigData Analytics, IoT, Cloud… vào công tác khám chữa bệnh và quản lý tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Lệ Thanh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ung-dung-cntt-trong-y-te-nhieu-tin-hieu-vui-436545.html