Ứng dụng chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp: Nhiều thành tựu nổi bật

Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN (Khoa học và Công nghệ) đối với đời sống kinh tế, xã hội, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng trong việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, qua đó, góp phần nâng cao năng suất và giá trị nông sản.

Mô hình trồng dưa lưới tại Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà.

Mô hình trồng dưa lưới tại Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà.

Một trong những thành tựu đáng ghi nhận mà KH&CN mang lại cho lĩnh vực nông nghiệp đó là nhiều trang trại, HTX, doanh nghiệp đã áp dụng thành công các mô hình, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo môi trường. Tiêu biểu như mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Song Hành, xã Tiền An, TX Quảng Yên. Với việc ứng dụng KH&CN vào các khâu sản xuất đã giúp cho sản phẩm rau thủy canh của Công ty nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng và có được chỗ đứng trên thị trường.

Hay như Công ty TNHH Long Hải, TX Đông Triều đã ứng dụng công nghệ cao sản xuất nấm ăn cao cấp và nấm dược liệu. Để sản xuất ra những cây nấm sạch, Công ty đã đầu tư các phòng lạnh nuôi trồng nấm có độ ẩm từ 80-95% và có hệ thống phun sương để bổ sung độ ẩm thường xuyên. Còn nhiệt độ được điều chỉnh theo từng thời kỳ phát triển của cây nấm (từ 4-8 độ C và có giai đoạn từ 8-12 độ C). Hiện nay Công ty tập trung sản xuất 3 sản phẩm chính là nấm kim châm, đùi gà, trà tân... với sản lượng trung bình trên 230 tấn/năm. Sản phẩm nấm kim châm của đơn vị sản xuất đã được đánh giá là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Đặc biệt, việc hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao với những ưu việt trong quy trình chăm sóc, sản xuất, chế biến và tiêu thụ đã được tỉnh triển khai mạnh mẽ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có Khu nông nghiệp công nghệ cao Evinco tại xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều; Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà.

Mô hình bể ương di động nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn của hộ ông Đỗ Văn Tâm (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) đã nâng cao tỷ lệ tôm sống, kiểm soát môi trường nước.

Với mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững, thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT cho các hộ nuôi trồng. Điển hình như nuôi tôm công nghệ Trúc Anh 2 giai đoạn; công nghệ Biofloc, Semi-Biofloc; ứng dụng bể ương di động trong nuôi tôm siêu thâm canh; ứng dụng vật liệu HDPE trong nuôi thủy sản… Cùng với đó, hiện đại hóa trong khai thác thủy sản cũng được quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có trên 8.000 tàu khai thác thủy sản; đội tàu khai thác được trang bị khá hiện đại theo mặt bằng chung cả nước. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã chuyển giao nhiều mô hình cho các chủ tàu để tăng giá trị khai thác thủy sản, có thể kể đến như: Mô hình lưới rê khai thác mực cho tàu xa bờ; Mô hình thử nghiệm, ứng dụng công nghệ đèn LED cho tàu khai thác hải sản xa bờ; Mô hình thay thế hoàn toàn ánh sáng đèn truyền thống (đèn Siu) bằng đèn LED từ nguồn xã hội hóa công tác khuyến nông… Từ những đầu tư này đã tạo điều kiện cho ngư dân chuyển dần từ khai thác manh mún, lạc hậu sang khai thác hiện đại, có trách nhiệm, bền vững.

Trong lâm nghiệp, việc ứng dụng công nghệ trong chế biến lâm sản gắn với phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung hướng tới xuất khẩu cũng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo và có chính sách ưu tiên phát triển. Để khai thác tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ giải quyết những điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất. Có thể kể đến một số đề tài, dự án đã được triển khai như: Ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn lọc, nâng cao chất lượng giống một số loài cây thông, bạch đàn, keo, sở; công nghệ trồng rừng thâm canh gỗ lớn; công nghệ sản xuất nhựa thông; công nghệ sản xuất viên nén gỗ; sản xuất một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ theo tiêu chuẩn GMP. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các thị trường khắt khe như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

Ngoài ra, việc áp dụng KH&CN vào phát triển các sản phẩm OCOP được chú trọng thông qua việc xây dựng thương hiệu, đổi mới bao bì, tem, nhãn. Các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cũng ưu tiên hướng đến sản xuất các giống mới, năng suất, đồng thời bảo tồn, phát triển nguồn gen quý, có giá trị như: Ngán, sá sùng, gà bang Trới, ba kích tím...

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202007/ung-dung-chuyen-giao-khampcn-trong-nong-nghiep-nhieu-thanh-tuu-noi-bat-2493137/