Ứng dụng cân tự động trên toàn quốc

Với lợi ích đem lại từ kiểm soát tải trọng phương tiện bằng hình thức cân tự động - cân tốc độ cao, Cục ĐBVN kiến nghị nhân rộng mô hình này trên các tuyến cao tốc và một số QL trên cả nước

Bản mặt cân tự động được gắn các cảm biến khi có phương tiện đi qua đo được tải trọng phương tiện thông qua các trục phương tiện

Bản mặt cân tự động được gắn các cảm biến khi có phương tiện đi qua đo được tải trọng phương tiện thông qua các trục phương tiện

Nhiều địa phương đang áp dụng cân tự động

Với việc đưa cân tự động tại Km 78 QL5 đi vào hoạt động nhằm phát hiện vi phạm tải trọng xe từ ngày 1/6 đã mở ra một bước tiến mới trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong KSTTX.

Theo thống kê của Cục ĐBVN tính đến thời điểm hiện tại việc áp dụng các bộ cân KTTTX tốc độ cao một cấp cân (tương tự các bộ cân lắp đặt tại Km78/QL.5) đã được triển khai tại một số dự án như: Dự án đầu tư xây dựng QL.1 đoạn tránh TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT; Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai (lắp đặt trên 02 làn vào tại làn dành cho xe tải tại Trạm thu phí Phố Lu), Dự án Đầu tư xây dựng Trạm cân cố định tốc độ cao 01 cấp cân trên đường DT.74l, tỉnh Bình Dương, Dự án Hệ thống các Trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh...

Trao đổi với Tạp chí GTVT ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, quá trình đưa các bộ cân KTTTX tự động vào sử dụng cho thấy các bộ cân này kiểm soát tự động 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết; giám sát 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân; dữ liệu được gửi đến cơ quan có thẩm quyền (Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông) "phạt nguội" hoặc kiểm tra, xử phạt trực tiếp ở vị trí phù hợp; khắc phục được các hạn chế của các Trạm KTTTX tự động và lưu động, cân xách tay hiện nay như kinh phí vận hành rất thấp, không phải bố trí công chức thanh tra kiểm tra KTTTX, bảo đảm tính khách quan, là biện pháp phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu hiệu quả do không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng có hành vi vi phạm về tải trọng xe.

Cảm biến cân thu nhận dữ liệu được truyền về bộ xử lý kèm hình ảnh phương tiện qua môi trường internet

Cảm biến cân thu nhận dữ liệu được truyền về bộ xử lý kèm hình ảnh phương tiện qua môi trường internet

Đồng thời, với sự tuyên truyền từ những lái xe, chủ xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, chấm dứt, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội nói chung và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng.

100% phương tiện được kiểm soát và trích xuất hình ảnh phương tiện, phiếu cân khi vi phạm

100% phương tiện được kiểm soát và trích xuất hình ảnh phương tiện, phiếu cân khi vi phạm

2 phương án lắp cân tự động trên cao tốc

Theo quy định của Luật Giao GTĐB thì Trạm KTTTX là công trình đường bộ cần thiết để phát hiện và xử lý vi phạm về tải trọng xe, góp phần bảo đảm ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, để kiểm soát xe quá tải trọng trên các dự án đường cao tốc đang triển khai thi công, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tuổi thọ của mặt đường.

Cân tốc độ cao sẽ được lắp đặt trên các cao tốc

Cân tốc độ cao sẽ được lắp đặt trên các cao tốc

Cũng theo ông Cường, Cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo cho phép bổ sung vào các dự án cao tốc đang triển khai hạng mục lắp đặt hệ thống cân KTTTX tự động theo 2 phương án:

Phương án 1: Lắp đặt tại các nhánh vào đường cao tốc (tại làn dành cho xe tải) để kiểm soát và từ chối phục vụ khi phương tiện vượt quá tải trọng cầu đường. Phương án 1 có ưu điểm là các xe chở hàng quá tải trọng không vào được cao tốc vì bị từ chối phục vụ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ đường cao tốc. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là vẫn gây hư hỏng cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung (ở khu vực lân cận), vẫn phải bố trí người hướng dẫn phương tiện ra khỏi đường cao tốc; việc từ chối phục vụ mà không xử lý vi phạm dẫn đến không đủ sức mạnh răn đe đối với phương tiện chở hàng quá tải trọng; số lượng các bộ cân cần lắp đặt khá lớn vì phải lắp đặt trên tất cả các lối vào cao tốc.

Phương án 2: Lựa chọn vị trí trên đường cao tốc có nhiều phương tiện phải đi qua để lắp đặt hệ thống thiết bộ cân KTTTX tự động trên tất các làn xe chạy (không lắp ở tại các làn thu phí vì do có nhiều làn nên phải lắp nhiều bộ cân, thiết bị cân được lắp đặt và kiểm định phải đạt cấp chính xác F10, hệ thống camera tự động chụp biển số trong mọi điều kiện, có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện…). Phương án này có ưu điểm là kiểm soát được hầu hết các phương tiện lưu thông trên cao tốc; số lượng bộ cân KTTTX lắp đặt ít, đồng thời có thể sử dụng dữ liệu cung cấp từ các bộ cân này để xử "phạt nguội" theo quy định. Do đó Cục ĐBVN kiến nghị lựa chọn Phương án 2, ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành sửa đổi, bổ sung QCVN 66:2013/BGTVT về thiết bị cân tự động, đồng thời chỉ đạo các Chủ đầu tư/cơ quan quản lý đường bộ và Nhà đầu tư BOT rà soát việc lắp đặt cân KTTTX theo hướng: Đối với các tuyến đường quốc lộ chưa đầu tư cân KTTTX: Các chủ đầu tư bổ sung đầu tư các bộ cân KTTTX động tốc độ cao ở các làn xe tại các vị trí phù hợp để bảo đảm kiểm soát tải trọng xe phù hợp với công nghệ thu phí tự động không dừng trên đường quốc lộ. Đối với các bộ cân đã lắp đặt tại các Trạm BOT cần rà soát, điều chỉnh thiết kế, lắp đặt bổ sung, thay thế các hạng mục, thiết bị phù hợp với QCVN theo hướng KTTTX xe tự động. Sau khi nghiệm thu hoàn thành việc đầu tư xây dựng, lắp đặt các hệ thống cân KTTTX tự động tại các dự án đường cao tốc và trên các tuyến quốc lộ, đề nghị bàn giao cho Cục ĐBVN thực hiện công tác quản lý khai thác, sử dụng, bảo trì và xử lý vi phạm theo quy định.

Khánh Lê

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/ung-dung-can-tu-dong-tren-toan-quoc-183230606172749509.htm