Ứng dụng blockchain vào nông nghiệp: Khó!

Một số chuyên gia đã đề nghị đưa công nghệ blockchain vào áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này giúp kiểm soát và hợp lý hóa các khâu sản xuất, đồng thời minh bạch toàn bộ chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm nông nghiệp.

Việc đưa blockchain đến từng hộ nông dân để hoàn thiện nhằm minh bạch toàn chuỗi là không đơn giản. Trong ảnh là nông dân Trà Vinh thu hoạch tôm. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu bằng công nghệ blockchain” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ mới đây, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lina Network, cho biết công nghệ này có các thuộc tính gồm tính chuẩn hóa, minh bạch, bất biến, an toàn, liên kết và có thể sử dụng được ở mọi nơi.

Theo ông Ca, việc áp dụng công nghệ blockchain giúp người tiêu dùng biết chính xác nguồn gốc sản phẩm được tạo ra, thậm chí có thể biết được từ quá trình gieo hạt, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, cho tới thu hoạch, tồn trữ, phân phối và tiêu thụ. “Khi quá trình này được ghi lại, chỉ cần dùng mã quét truy xuất nguồn gốc là có thể nhìn được toàn bộ lý lịch của sản phẩm”, ông Ca nói.

Tuy nhiên, một điều cũng được các chuyên gia lưu ý, không nên nhầm lẫn blockchain là công nghệ có thể tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Tính chất dữ liệu đầu vào như thế nào thì kết quả đầu ra sẽ như thế đó, hay nói cách khác, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn sẽ cho ra sản phẩm tốt và ngược lại. Công nghệ blockchain chỉ giúp minh bạch quá trình đó.

Liên quan đến vấn đề an toàn của sản phẩm, ông Từ Minh Thiện, Phó giám đốc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, nói: “Các đơn vị tham gia sử dụng công nghệ blockchain được yêu cầu đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định như VietGAP, GlobalGAP... Khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người sử dụng có thể biết sản phẩm này của doanh nghiệp nào, có giấy chứng nhận tiêu chuẩn trên hay không”.

Áp dụng blockchain được gì?

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch tập đoàn Thủy sản Minh Phú, để sản phẩm cạnh tranh mạnh trên thị trường thì hai yêu cầu cần phải có là tạo ra được sự khác biệt và có giá thành tốt nhất. Ông Quang cho biết, các hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới hiện nay như Walmart, Costco... đều yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, mọi giá trị đều tăng nhưng giá thì... không tăng. “Đó là áp lực rất lớn đối với những nhà xuất khẩu như chúng tôi”, ông nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhận xét thêm, giá sản phẩm không những không tăng mà thậm chí các hãng phân phối lớn còn yêu cầu giảm. “Khi tôi làm việc với một công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cung cấp cho hãng IKEA (Ingvar Kamprad Elmtaryd Agunnary, một hãng cung ứng nội thất lớn của Thụy Điển - PV), họ bảo sau ba năm hợp đồng giảm giá một lần”, ông Lam nói và giải thích lý do họ yêu cầu giảm là vì các nơi cung ứng cạnh tranh ngày càng mạnh hơn.

Theo ông Quang, đối với xuất khẩu, việc sản phẩm an toàn và chất lượng đã trở thành “đương nhiên” để thâm nhập một thị trường nào đó, nhất là phải vượt qua hàng rào kiểm soát rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, giảm giá thành để cạnh tranh mới là câu chuyện ông quan tâm. “Khi Nhà nước khuyến khích sản xuất tôm hữu cơ đã khẳng định sẽ có giá bán cao hơn 30-50% so với tôm thường. Nhưng chúng tôi làm hàng hữu cơ bao nhiêu năm nay, để bán cao hơn 10% đã cực kỳ khó”, ông Quang nói và cho rằng doanh nghiệp không thể mua tôm từ nông dân với giá cao hơn 30-50% như họ kỳ vọng vì “kẹt” đầu ra.

Vậy áp dụng công nghệ blockchain thì doanh nghiệp được gì khi khả năng là nông dân sẽ đòi tăng giá bán? “Cái khó nhất của chúng tôi là khi yêu cầu nông dân làm cái này cái kia thì họ đề nghị phải mua cao hơn 5-10%, trong lúc thị trường nhập khẩu lại yêu cầu không tăng giá”, ông Quang băn khoăn.

Theo ông Từ Minh Thiện, mục tiêu chính của việc áp dụng công nghệ là để giảm giá thành, chứ không phải tăng giá bán. “Không thể nào tăng được giá bán, mà vấn đề chính là chúng ta giảm được giá thành, tức tăng khả năng cạnh tranh”, ông nói.

Theo ông Thiện, nếu áp dụng blockchain vào chuỗi sản xuất tôm của Công ty Minh Phú nói trên thì đầu tiên sẽ giúp hợp lý hóa lại tất cả các khâu và trong quá trình đó sẽ làm giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý và giảm được giá thành. “Đó mới là điều chính yếu mà blockchain phải tìm ra và nó cho biết khâu nào là khâu không hợp lý, làm thế nào để hợp lý, rút ngắn chuỗi để có giá thành tốt, tăng cạnh tranh”, ông cho biết.

Đưa blockchain đến nông dân: không đơn giản

Blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa phức tạp, nó tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty. Trong trường hợp này, blockchain là một cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Ông Quang cho biết, trong khâu mua nguyên liệu chế biến, hiện đơn vị này đang có hai hệ thống, gồm 30% từ vùng nguyên liệu do công ty sản xuất và 70% được mua từ khoảng 50.000 hộ nông dân nuôi tôm khắp đồng bằng sông Cửu Long. Ông thắc mắc, nếu áp dụng blockchain thì giải quyết việc mua tôm của nông dân sẽ như thế nào.

Về vấn đề này, ông Hà Đức Long ở Công ty cổ phần Lina Network gợi ý, đối với hệ thống nguyên liệu thu gom từ 50.000 hộ nông dân có thể giải quyết theo một trong hai hướng: thứ nhất, phải làm sao để người nông dân biết sử dụng phần mềm được thiết kế. Họ chính là những “node” trong chuỗi (được hiểu đơn giản là những người đưa dữ liệu kết nối lên blockchain - PV); thứ hai, thông qua đơn vị trung gian và đơn vị này phải được kiểm định, chứng nhận, được các bên tin tưởng. “Chỉ có thể được giải quyết bằng một trong hai cách đó, chứ chưa có cách nào khác”, ông Long nói.

Thế nhưng, để hàng chục ngàn hộ nông dân cùng ứng dụng blockchain và tham gia đưa dữ liệu lên hệ thống nhằm minh bạch chuỗi giá trị ngành tôm từ sản xuất đến tiêu thụ như gợi ý là điều cực kỳ khó. Bởi, những điều tương tự như vậy có thể được nhìn thấy trong thực tế lâu nay, chẳng hạn việc kêu gọi nông dân “xóa bỏ” bờ ruộng để cơ giới hóa được tốt hơn nhưng việc này đã thất bại.

Ông Từ Minh Thiện thừa nhận, việc ứng dụng blockchain vào cuộc sống không phải là điều dễ dàng vì đòi hỏi phải có sự đồng lòng từ nhiều phía. Ông nêu ví dụ, nếu doanh nghiệp muốn làm nhưng người tiêu dùng không cần thì cũng khó triển khai; hoặc sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ trong một giới hạn thị trường nào đó thì doanh nghiệp chưa có nhu cầu.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276319/ung-d%E1%BB%A5ng-blockchain-vao-nong-nghiep-kho-.html