Ðừng để 'cả giận, mất khôn'

Bà Gấm và bà Diệm vốn có mối quan hệ họ hàng, lại là hàng xóm của nhau cho nên tình cảm hai bên bấy lâu thân thiết. Mấy hôm nay, nhà bà Gấm thuê tốp thợ tới lăn sơn ngôi nhà cao tầng chuẩn bị đón vợ chồng cậu con trai sống ở nước ngoài về thăm.

Tốp thợ sơn làm việc cật lực cho kịp tiến độ từ sáng tới giờ. Họ leo trèo, đu dây lơ lửng tường nhà quét sơn vất vả, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Thương nhóm thợ và cũng để động viên họ làm việc cẩn thận hơn cho mình, bà Gấm nấu nồi chè đậu mời nhóm thợ, rồi tất tả chạy ra hàng mía nhà bà Diệm ở đầu thôn mua thêm bó mía theo yêu cầu của họ để túc tắc ăn cho đỡ háo nước. Ðưa mắt nhìn đống mía tím dựng ở ngoài quán, bà Gấm phân vân: "Chẳng biết mía này đanh chưa, xem chừng còn ọp ẹp quá"! Nghe vậy, bà Diệm quả quyết: "Cô cứ yên tâm. Mía thời tiết hanh hao là ngon lắm rồi!". Nói đoạn, bà Diệm chọn lựa khoảng dăm cây mía nõn nà nhất đống, dùng dây buộc chặt, nhanh nhảu đặt lên vai để bà Gấm vác về. Thấy bà Gấm còn lừng chừng, bà Diệm tặc lưỡi: "Cô cứ mang về, trả tiền tôi sau"!

Về tới nhà, bà Gấm đặt phịch bó mía xuống sân, đưa tay gạt mồ hôi chảy ròng ròng trên má. Ông Sẵn chồng bà nhìn bó mía, hạ giọng: " Sao lại mua mía non choèn choẹt thế này"? Bà Gấm ậm ừ cho qua chuyện, rồi ngồi xuống thuần thục đẵn mía, róc vỏ, tiện từng khẩu tinh tươm bày vào chiếc đĩa và mời gọi nhóm thợ nghỉ tay vào ăn. Tuy nhiên, vừa nhai được vài khẩu mía, mấy cậu thợ đã nhăn mặt: "Mía đẵn chạy lụt hay sao ấy, nước nhạt lắm cô ạ"! Bà Gấm ngừng tay dao, đưa một khẩu lên miệng nhai, rồi gật gù: "Phải, ngay lúc mua cô cũng đã nghi thế rồi, nhưng nể người bán nên cầm về!". Chiều sâm sẩm tối, thấy bà hàng xóm dọn hàng đi ngang qua, bà Gấm nhỏ nhẹ: "Mía hôm nay bác lấy ở đâu mà nhạt lắm!". Ðang bực bội vì ế khách cả buổi, bà Diệm sẵng giọng: "Như thế mà cô còn chê thì tôi cũng đến chịu!". Bà Gấm cố lựa lời thanh minh: "Thì em thấy mía không được ngọt nên mách, sao bác lại phải nặng lời thế?". Vẫn không chịu dừng lại, bà Diệm tiếp tục đỏ mặt to tiếng: "Cô này vô ơn thật đấy, tôi đã bán chịu cho lại còn lắm điều. Trả tôi tiền ngay đi cho xong việc!". Cứ thế, câu nọ quàng câu kia, chẳng mấy chốc câu chuyện của hai bà hàng xóm trở thành cuộc đấu khẩu, cãi cọ om xòm khiến mọi người bu lại xem làm ông trưởng thôn và mấy bà bên Hội Phụ nữ của thôn phải một phen vất vả xử lý, giảng hòa. Nghe mọi người phân tích và cũng đã hết nóng giận, hai bà hàng xóm lúc này mới thấy hối hận, ngượng ngùng xin lỗi nhau.

Qua câu chuyện của bà Gấm và bà Diệm mới thấy, từ những việc đời thường tưởng chừng vụn vặt, nhưng nếu mỗi người thiếu kiềm chế, dễ dẫn tới các hành vi, lời nói thiếu suy xét, thậm chí xảy ra cả các vụ việc đáng tiếc. Thiết nghĩ, trong cuộc sống, mỗi cá nhân cần có ý thức tôn trọng người khác, ứng xử hài hòa, có văn hóa để duy trì tình thân cộng đồng, không để mất đi những tình cảm tốt đẹp với nhau chỉ vì một vài lời nói, việc làm khiếm nhã.

HOÀNG YẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/41653902-%C3%B0ung-de-ca-gian-mat-khon.html