Ứng cử viên Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển

Ứng cử viên Đoàn Khiết Long của Trung Quốc đã trúng cử trúng cử ngay vòng đầu tiên ghế thẩm phán tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS).

Toàn cảnh một phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Toàn cảnh một phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/8, 166 quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã cùng lúc có mặt tại phòng họp Đại hội đồng Liên hợp quốc để tham dự Hội nghị lần thứ 30 của Công ước (SPLOS) và bỏ phiếu kín bầu 7 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2020-2029.

Theo phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ), kết quả bỏ phiếu cho thấy các ứng cử viên của Cameroon, Trung Quốc, Chile, Malta, Italy và Ukraine trúng cử ngay vòng đầu tiên, trong đó ứng cử viên của Malta đạt số phiếu cao nhất, 160/166 phiếu.

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, đại diện của phía Trung Quốc trúng cử là ông Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long), đại sứ của Trung Quốc tại Hungary.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phòng họp Đại hội đồng Liên hợp quốc được sử dụng để họp trực tiếp.

Cuộc họp diễn ra trong các quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe của các đại biểu. Mỗi nước chỉ cử một đại diện đến dự họp.

Các đại biểu đến trụ sở Liên hợp quốc theo các khung giờ định sẵn cho mỗi nhóm nước và được yêu cầu không tiếp xúc gần nhau, luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét trong suốt quá trình ở trong trụ sở Liên hợp quốc.

Các đại biểu lần lượt bỏ phiếu theo thứ tự tên nước và rời trụ sở Liên hợp quốc ngay sau khi hoàn thành việc bỏ phiếu.

Trước đây, các cuộc bỏ phiếu như vậy của ITLOS thường diễn ra trong im ắng và ít thu hút sự chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông gần đây đã khiến cuộc bầu chọn lần này nhận được sự quan tâm của quốc tế.

Trong số 7 thẩm phán sẽ hết nhiệm kỳ ngày 30-9 tới, có một thẩm phán Trung Quốc là ông Cao Chí Quốc. Với việc ông Đoàn Khiết Long được chọn, Bắc Kinh sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại ITLOS kể từ khi tòa án này được thành lập vào năm 1996.

Trong một hội nghị trực tuyến về Biển Đông hồi giữa tháng 7, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc Đoàn Khiết Long.

"Các quốc gia tham gia việc bầu chọn thẩm phán ITLOS cần đánh giá thông tin của ông ta và tự hỏi bỏ phiếu cho ông ta là đang giúp hay đang hại luật biển quốc tế" - ông Stilwell lập luận.

Vị quan chức Mỹ nói: "Lựa chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê một kẻ đốt phá để giúp điều hành cơ quan cứu hỏa".

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ ông Đoàn Khiết Long, nói rằng ứng viên này "rất thông thạo luật quốc tế, có kiến thức phong phú lẫn kinh nghiệm thực tế trong luật biển quốc tế".

"Nếu được bầu, chắc chắn ông Đoàn Khiết Long sẽ cống hiến hết mình cho các công việc của tòa án và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lập luận trong cuộc họp báo hồi tháng 7.

Tháng 9/2020 là tháng cao điểm của Liên hợp quốc với hàng loạt cuộc họp cấp cao định kỳ hàng năm, tiêu biểu là Phiên thảo luận chung Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc và nhiều sự kiện quan trọng khác.

Từ tháng 10 đến tháng 11, các Ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ họp định kỳ để thảo luận trên 1.170 đề mục trong Chương trình nghị sự và thông qua hàng trăm nghị quyết, quyết định.

ITLOS được thành lập theo UNCLOS, gồm 21 thành viên do các nước thành viên Công ước bầu ra.

Dự kiến ngày 25/8 (theo giờ bờ Đông nước Mỹ), hội nghị sẽ phải bỏ phiếu vòng hai để chọn một trong hai ứng cử viên của Brazil và Jamaica cho 1 vị trí còn lại của nhóm Mỹ Latinh và Caribe.

Tuấn Quỳnh (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ung-cu-vien-trung-quoc-trung-cu-ghe-tham-phan-toa-quoc-te-ve-luat-bien-116420.html