Ứng biến trước tình thế đổi thay

Chỉ còn một quý nữa là khép lại năm 2019 với không ít biến động. Năm 2019, kinh tế nước ta tiếp tục phát triển ổn định, dự báo đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,6%-6,8% là khả thi, trong lúc các nền kinh tế lớn có dấu hiệu suy giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu bấp bênh vì “phải đối mặt với thời kỳ bất trắc cao”, hoạt động đầu tư - thương mại xoay vần phức tạp. Năm 2020 là điểm mốc quan trọng xác định thành quả phát triển kinh tế - xã hội nước ta cả giai đoạn 2016 - 2020, và trong bối cảnh như trên, quả thật việc xác định mục tiêu, bước đi, chính sách đòn bẩy… trong năm tới không phải dễ dàng. Việt Nam hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới nên sự biến động toàn cầu chắc chắn ảnh hưởng cục diện trong nước.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9% năm 2019 - thấp nhất 10 năm qua và tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức thấp trong năm tới nếu “các đòn thuế quan các nước lớn chưa chấm dứt và còn tồi tệ hơn” - chuyên gia kinh tế trưởng OECD L. Boone nhận xét. Đám mây màu xám đang vần vũ toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo hạ về 2,4% năm 2019 và 2% năm 2020 (năm 2018 là 3%). Những bất ổn xoay quanh Brexit cũng khiến triển vọng kinh tế diễn biến phức tạp ở Anh và châu Âu. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết sau 4 thập kỷ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đang vào thời kỳ tăng trưởng chậm, và đưa ra con số: tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ chỉ còn 4% vào những năm 2020 nếu không cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính. Trong vòng xoáy ấy, Việt Nam nhìn nhận và ứng biến ra sao?

Mới đây tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đổi mới thể chế nhiều tiến bộ, tham gia tích cực kinh tế toàn cầu… Tuy nhiên, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế; tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu cao. “Bẫy thu nhập trung bình đang là sự đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyện cũ vẫn mới, đề xuất đầu tiên từ giới nghiên cứu chính sách vẫn là cải cách táo bạo hơn để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, giảm can thiệp của nhà nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng dựa vào đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận xét: Hiện có 2 mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và nhà nước điều chỉnh. Việt Nam nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển nhưng thực tế vẫn đang hành xử theo mô hình nhà nước điều chỉnh. Nếu theo mô hình này, ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, phải thực thi phân quyền cho chính quyền địa phương một cách rõ ràng, không ôm đồm. Cái gì cấp dưới làm được thì cho cấp dưới làm, không chuyển lên cấp trên.

Từ góc nhìn bên ngoài, TS David Dollar, Viện Brookings Hoa Kỳ, cho rằng, khu vực tư nhân chính thức ở Việt Nam bị tụt hậu do thiếu tiếp cận tín dụng, đất đai, nguồn vốn và thực thi yếu kém của bộ máy công quyền. Điều cần làm là xác định rõ hoạt động nào của doanh nghiệp nhà nước và phần còn lại của tư nhân. “Tôi chưa thấy nước nào đi tới thịnh vượng mà chỉ dựa vào khu vực FDI; phải tạo cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển” - ông Dollar nói. Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione thẳng thắn nhận xét: Thời điểm hiện tại, mô hình kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức: dân số già hóa nhanh, vốn và tỷ lệ sinh lời của doanh nghiệp thấp, nguồn nhân lực yếu, tốc độ tăng năng suất giảm… Đặc phái viên của Tổ chức OECD, ông Jan Rielander cho rằng, điều cần làm là tạo sự liên kết giữa FDI và khu vực trong nước, cùng tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu để tạo ra giá trị gia tăng thực tế hơn.

Tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam chỉ còn 1/10 sau 2 thập kỷ là kỳ tích lớn, nhưng để nước ta vươn lên, hiện thực hóa khát vọng trở nên thịnh vượng là thách thức không nhỏ, cần có những cải cách căn cơ, táo bạo. Cuộc sống không chờ ai và thế giới luôn biến động, nếu ta không ứng biến hiệu quả trước tình thế đổi thay, sẽ mắc kẹt trong chu kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn cho mục tiêu phát triển đất nước và mức sống người dân.

LÊ TIỀN TUYẾN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ung-bien-truoc-tinh-the-doi-thay-618546.html