UNESCO đồng hành cùng Cố đô Huế

Trong chuyến công tác tại Việt Nam, bà Audrey Azoulay - Tổng giám đốc UNESCO và đoàn chuyên gia cao cấp đã có chuyến thăm, khảo sát Quần thể di tích Cố đô Huế.

Tổng giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay, tham quan Khải Tường Lâu (Cung An Định).

Tổng giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay, tham quan Khải Tường Lâu (Cung An Định).

Đây là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh (năm 1993), đồng thời cũng là khu di sản đã nhận được nhiều tài trợ từ UNESCO trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

Đoàn công tác của Tổng giám đốc UNESCO đã đến tham quan, khảo sát các di tích tại khu di sản Hoàng cung Huế như: Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng, Thế Miếu, xem tái hiện lễ đổi gác và biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế, di sản phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Bà Audrey Azoulay cùng đoàn công tác cũng đến thăm di tích Cung An Định ở bên ngoài Kinh thành Huế. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng giai đoạn cuối của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp trang trí truyền thống cung đình. Dù di tích này không nằm trong danh mục Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, tuy nhiên Cung An Định được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý như một tài sản di sản văn hóa thế giới cùng với Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Tại đây, đoàn chuyên gia của UNESCO đã thăm và khảo sát công trình Khải Tường Lâu, đặc biệt là khu vực nội thất cùng hệ mái của công trình này. Mới đây, Bộ Văn hóa của Chính phủ Pháp thông qua UNESCO đã tài trợ 30.000 euro cho công tác tu bổ, chống thấm dột phần mái của Khải Tường Lâu. Dự kiến, công việc thi công sẽ được triển khai vào giữa tháng 9 này. Được biết, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đã lên kế hoạch tu bổ tổng thể di tích Cung An Định, sau khi hoàn thành việc tu bổ, chống thấm phần mái Khải Tường Lâu.

Trong vòng 30 năm qua, đã có nhiều chương trình, dự án do UNESCO hỗ trợ dành cho công tác bảo tồn di sản Huế. Đầu tiên phải kể đến là dự án trùng tu di tích Ngọ Môn với kinh phí tài trợ 100.000 USD do Quỹ Ủy thác Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO vào năm 1992; cùng các dự án: Thiết bị phòng CNTT và đào tạo về GIS do UNESCO tài trợ có kinh phí 50.000 USD vào năm 1996-1997; dự án Thiết bị cho phòng Hóa nghiệm bảo tồn với kinh phí hơn 467.000 france (tương đương 90.000 USD) do Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO tài trợ; dự án tu bổ khẩn cấp các công trình bị hư hỏng tại cung Diên Thọ do cơn lốc tháng 9/1997 với kinh phí 50.000 USD bởi Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO tài trợ; dự án Hỗ trợ phục hồi các công trình di tích do hậu quả lũ lụt năm 1999… Tiếp đó, năm 2002 khi triển khai lập hồ sơ quốc gia ứng cử Nhã nhạc là kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, Quỹ Nhật Bản cũng tài trợ thông qua UNESCO với kinh phí 15.000 USD. Và ngay sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh, lại tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo vệ Nhã nhạc với tổng kinh phí gần 155.000 USD do Quỹ Ủy thác Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO (giai đoạn 2005-2008). Năm 2014-2015, Quỹ Hỗ trợ quốc tế của UNESCO cũng tài trợ cho chương trình “Nâng cao năng lực quản lý khu di sản Huế” về hỗ trợ lập kế hoạch quản lý Quần thể Di tích Cố đô Huế với kinh phí gần 30.000 USD…

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, khẳng định, UNESCO rất quan tâm đến Quần thể di tích Cố đô Huế và sẽ luôn đồng hành cùng Thừa Thiên Huế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Huế.

An Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/unesco-dong-hanh-cung-co-do-hue-5696211.html