UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển
Bà Ramla Al Khalidi - tân Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh rằng trong vai trò mới sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam, trong đó có giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả bom mìn.
UNDP: Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu "đổi mới xanh"
Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Việt Nam đã nhận được sự cam kết hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) trong việc lập kế hoạch cho các chính sách thích ứng, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các chính sách môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn về quyền con người.
UNDP thực hiện đánh giá tác động của việc loại bỏ dần điện than và chuyển đổi năng lượng và tác động của quá trình này đối với Việt Nam, bao gồm đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ước tính, Việt Nam sẽ cần 330-370 tỉ USD để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Khoản tiền này cần được huy động từ nguồn tài chính công và tư nhân cũng như từ các nguồn trong nước và quốc tế.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Khí hậu xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam đã xây dựng hơn 4.000 ngôi nhà an toàn tại 5 tỉnh ven biển; trồng và tái tạo 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển.
Bên cạnh đó, UNDP đang đào tạo và chuyển giao các mô hình nghiên cứu về sản xuất, lưu trữ và sử dụng hydrogen và carbon xanh cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương); thúc đẩy phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.
Theo bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu "đổi mới xanh" và có một quỹ đạo duy trì, tái tạo nguồn tự nhiên mà con người, cộng đồng và nền kinh tế đang phụ thuộc.
UNDP sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tiếp tục hỗ trợ quá trình phát triển xanh của Việt Nam
Tân Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Al Khalidi khẳng định rất vui mừng được bổ nhiệm, đồng thời nhấn mạnh rằng trong vai trò mới sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam, trong đó có giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả bom mìn.
Bà Ramla Al Khalidi cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp cấp cao về biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký đồng chủ trì ngày 21/9/2022 vừa qua đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đối với các đối tác quốc tế. Bà tin tưởng rằng Tổng Thư ký sẽ tiếp tục có thông điệp mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cũng mong muốn Việt Nam xem xét tiếp tục điều chỉnh Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển trong triển khai các dự án hỗ trợ phát triển tại Việt Nam.
Chúc mừng bà Ramla Al Khalidi được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện UNDP mới tại Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ mong muốn UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách kinh tế, xã hội, xây dựng năng lực, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra tại Hội nghị COP-26, trong đó có tiến trình đàm phán thành lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng với các nước G7.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng mong muốn Liên hợp quốc sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc (20/9/1977 – 20/9/2022) tại Việt Nam vào cuối tháng 10.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Trong 45 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, Liên hợp quốc nói chung và UNDP nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, mang đến cho Việt Nam những hỗ trợ quý báu, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.