UNCTAD: Thương mại toàn cầu có dấu hiệu hồi phục trong quý 3

Báo cáo của UNCTAD cho biết giá trị thương mại thế giới trong quý 3 năm nay thấp hơn khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019, cải cải thiện đáng kể so với mức giảm 19% trong quý 2/2020 so với quý 2/2019.

Khu phố thương mại ở Santa Monica, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khu phố thương mại ở Santa Monica, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong báo cáo cập nhật về thương mại toàn cầu hằng quý, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 21/10 dự báo giá trị thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm từ 7% đến 9% cho dù có dấu hiệu phục hồi trong quý 3/2020.

Báo cáo cho biết giá trị thương mại thế giới trong quý 3 năm nay thấp hơn khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019, cải cải thiện đáng kể so với mức giảm 19% trong quý 2/2020 so với quý 2/2019.

Các dự báo sơ bộ đã đưa ra mức tăng trưởng hàng năm trong quý 4/2020 ở mức thấp hơn 3%, tuy nhiên con số này vẫn chưa chắc chắn do những lo ngại về diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trong những tháng tới.

Theo UNCTAD, ngoài sự phục hồi thương mại đáng chú ý của Trung Quốc, các xu hướng thương mại khác bao gồm xuất khẩu từ các nước đang phát triển tăng cao hơn so với các nước phát triển.

Tăng trưởng xuất khẩu thường niên của các nền kinh tế đang phát triển được cải thiện từ mức âm 18% trong quý 2/2020 lên âm 6% trong tháng 7/2020, trong khi xuất khẩu của các nước phát triển tăng từ mức âm 22% lên âm14%.

Tuy nhiên, không có khu vực nào thoát khỏi sự sụt giảm về tăng trưởng thương mại trong quý 2/2020.

Mức giảm mạnh nhất là khu vực Tây và Nam Á, nơi nhập khẩu giảm 35% và xuất khẩu giảm 41%.

Tính đến tháng 7/2020, sự sụt giảm thương mại vẫn ở mức đáng kể tại hầu hết các khu vực, ngoại trừ khu vực Đông Á.

Báo cáo của UNCTAD đặc biệt chú ý đến vật tư y tế phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (thiết bị bảo hộ cá nhân, chất khử trùng, bộ dụng cụ chẩn đoán, mặt nạ thở ôxy và các thiết bị bệnh viện liên quan khác), theo đó kim ngạch trao đổi buôn bán những vật tư y tế trên đã tăng trung bình hơn 50% kể từ tháng 4/2020, song sự gia tăng như vậy chỉ chủ yếu mang lại lợi ích cho người dân của các quốc gia giàu có hơn.

Theo báo cáo trên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trung bình mỗi người dân của các quốc gia có thu nhập cao được hưởng lợi từ việc nhập khẩu thêm 10 USD/tháng đối với các sản phẩm liên quan đến COVID-19, so với chỉ 1 USD đối với những người sống ở các nước thu nhập trung bình và chỉ 0,10 USD cho những người sống ở các nước thu nhập thấp.

Nhìn chung, nhập khẩu bình quân đầu người đối với các mặt hàng y tế thiết yếu để giảm thiểu ảnh hưởng do dịch bệnh đã cao hơn khoảng 100 lần đối với các quốc gia có thu nhập cao so với các quốc gia có thu nhập thấp.

UNCTAD nhấn mạnh sự khác biệt về khả năng tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 tiềm năng cho người dân ở các nước giàu và nghèo có thể còn lớn hơn so với nguồn cung cấp y tế.

Mặc một số quốc gia thu nhập thấp có khả năng sản xuất trong nước một số thiết bị bảo hộ, song những nước này lại không thể sản xuất được vắcxin phòng bệnh, vốn đòi hỏi năng lực nghiên cứu, sản xuất và hậu cần mạnh mẽ hơn./.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/unctad-thuong-mai-toan-cau-co-dau-hieu-hoi-phuc-trong-quy-3/670625.vnp