Ùn ùn đón người thân ở sân bay, chẳng khác gì tự làm khổ nhau

Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, hàng ngàn người dồn đến sân bay Tân Sơn Nhất đón người thân ở nước ngoài về nước ăn Tết khiến khu vực này luôn nghẹt người

Bạn đọc Quan nói vui: “Ai thích cái hình ảnh đặc trưng chỉ có ở Việt Nam và chỉ vào dịp Tết mới có, thì hãy ra đây để hưởng cái không khí độc đáo này". Bạn đọc Ngọc Phượng góp thêm: "1 người về mấy chục người ra đón, chắc chỉ có ở Việt Nam".

Bình luận về hiện tượng này bạn đọc Nguyen Trung bộc bạch: “Có nhiều cách để thể hiện tình cảm, đâu nhất thiết phải kéo cả gia đình ra tận sân bay? Trẻ nhỏ, người già đi làm chi cho khổ thân vậy. 1- 2 người trong gia đình ra đón là được rồi, về tới nhà rồi thong thả gặp mặt, thăm hỏi sau cũng được mà".

Đi đón ít người thôi, ở nhà bày tiệc gia đình quây quần, thăm hỏi sẽ vui hơn.

Đi đón ít người thôi, ở nhà bày tiệc gia đình quây quần, thăm hỏi sẽ vui hơn.

Vẫn biết, những người đến sân bay đón người thân là vì tình cảm, vì nóng lòng muốn gặp người thân nhanh nhất có thể và vì muốn người thân ấm lòng khi vừa đặt chân xuống máy bay. Đặc biệt, có thể với nhiều người, sân bay không có gì xa lạ nhưng với những người ở các tỉnh xa, nhất là trẻ em, người già lâu lâu có dịp đi TP và vào tận sân bay quốc tế là một điều rất lớn lao, nên họ rất háo hức. Đây là niềm vui, sự mong mỏi của người đón lẫn người được đón.

Thế nhưng, như ý kiến của một bạn đọc, người về hoàn toàn không muốn được đón quá nhiệt tình như vậy, thậm chí đón càng nhiệt tình họ càng thấy ngại, chỉ là họ không nói ra thôi. Chẳng hạn cha mẹ phải khổ sở khi đi đón con, chẳng con cái nào lại muốn cha mẹ mình vất vả, vật vờ chờ đợi hàng buổi ở cái nơi ồn ào , nghẹt thở như vậy.

Cùng quan điểm, bạn đọc Chả Hiểu Nổi nêu ý kiến: “Tôi toàn giấu giờ máy bay đến, nhà hỏi tôi toàn nói không nhớ. Về tới nơi tôi tự kêu taxi về, khi đứng trước nhà ai cũng ngạc nhiên.Vậy cho khỏe, khỏi đi đón đông đúc, chờ đợi mất thời gian”.

Nói về chuyện hạn chế người đi đón ở sân bay, bạn đọc "Buffie" đề xuất: "Những người về thường xuyên đã quen thì không cần đón. Trường hợp người thân mới về lần đầu lạ nước, lạ cái thì cũng chỉ cần 1 hay 2 người ra đón là đủ. Về nhà nghỉ ngơi thoải mái rồi từ từ thăm hỏi bà con sau".

Nhiều bạn đọc dẫn chứng ở các nước, không có hình ảnh ùn ùn đi đón người thân ở sân bay một cách khổ sở như vậy. Họ sẽ bày tiệc ở nhà để mọi thành viên gặp nhau thăm hỏi.

"Mong mọi người "thay đổi tư duy" để sân bay không trở thành nỗi ám ảnh khi năm hết Tết đến" - một bạn đọc nêu ý kiến.

Hiếu Trung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/un-un-don-nguoi-than-o-san-bay-chang-khac-gi-tu-lam-kho-nhau-202001131334193.htm