Ùn tắc giao thông vẫn tái diễn tại nút ngã tư Sở sau khi thông xe đường trên cao

Với kỳ vọng sau khi thông xe đoạn đường trên cao dành riêng cho ôtô từ ngã tư Vọng đến ngã tư Sở dài hơn 2km thuộc đường Vành đai 2, 'điểm đen' ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng ùn tắc tại 2 đầu ngã tư Sở và ngã tư Vọng - vốn xảy ra thường xuyên vào giờ cao điểm, nay lại càng trầm trọng hơn.

Mỗi khi trời mưa, tình trạng ùn ứ vẫn tái diễn tại điểm lên và xuống đường bộ trên cao.

Mỗi khi trời mưa, tình trạng ùn ứ vẫn tái diễn tại điểm lên và xuống đường bộ trên cao.

Đã từ lâu, người dân thành phố Hà Nội kỳ vọng việc thông xe đường vành đai 2 trên cao được sẽ giúp giao thông khu vực đường Trường Chinh, đặc biệt tại nút giao Ngã Tư Sở được giảm tải. Tuy nhiên, từ khi thông xe đường trên cao vào ngày 9/11 vừa qua, dòng xe từ nhánh đường trên cao đổ xuống giữa đường Trường Chinh khiến mật độ xe và sự xung đột giữa các dòng xe đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải qua ngã tư Sở tăng lên.

Ghi nhận của phóng viên lúc 6 giờ tối, lưu lượng xe bắt đầu đổ dồn về phía Minh Khai và ngã tư Sở. Các ô tô, xe máy chen lấn nhau. Đặc biệt, tình trạng hỗn loạn là do xe rẽ trái cắt đầu xe đi thẳng, xe rẽ phải nhưng đi làn bên trái tạo thêm nhiều giao cắt giữa dòng xe khiến nhiều lúc dòng xe “kẹt cứng” từ 15 phút đến 30 phút mới qua được ngã tư Sở.

Trên suốt đoạn tuyến dưới thấp ngã tư Sở - ngã tư Vọng khá thông thoáng, nhưng đến gần nút giao ngã tư Sở vào giờ cao điểm cả sáng và chiều vẫn xảy ra tình trạng phương tiện dồn ứ, di chuyển rất chậm.

Một số người dân bức xúc, sau khi thông xe, lượng xe dồn về đây nhanh hơn và nhiều hơn. Đèn tín hiệu giao thông tại nút ngã tư Trường Chinh đến Tây Sơn khá lâu cũng khiến tình trạng ùn ứ kéo dài, thêm một số điểm quay đầu đã bị chặn lại nên tắc đường là điều không thể tránh khỏi vào giờ cao điểm.

Lý giải về nghịch lý này, nhiều chuyên gia cho rằng: Hiện đang thiếu sự đồng bộ công suất giữa tuyến đường Trường Chinh (cả trên cao và mặt đất) và nút giao ngã tư Sở. Mặc dù nút giao ngã tư Sở hiện nay đã là nút giao lớn được cải tạo nhiều lần và giao cắt khác mức nhưng năng lực thông qua của tuyến đường Trường Chinh và đường vành đai 2 đang lớn hơn công suất của nút rất nhiều.

Ngoài ra, phương án thiết kế hiện nay tạo ra nhiều xung đột và giao cắt tại ngã tư Sở, đặc biệt chiều từ ngã tư Vọng – ngã tư Sở nhưng công tác tổ chức giao thông và chu kỳ đèn ở khu vực này còn rất nhiều hạn chế.

Các chuyên gia cũng nhận định: Đường trên cao không thể giải quyết bài toán ùn tắc vì nó chỉ giải quyết được năng lực cục bộ chứ không phải cho toàn mạng lưới giao thông. Nếu đường trên cao mà phục vụ xe đi chặng ngắn thay vì xe đi đường dài, xe quá cảnh thì chúng ta đang chưa hiểu rõ mục đích của đường trên cao. Bởi, bản chất của đường trên cao trong đô thị là để tách dòng xe đi qua thành phố nhưng không có nhu cầu xuống nội đô, vì thế không nên biến đường đô thị thành đường trên cao.

Đáng chú ý, trước đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 3110/BXD-HTKT gửi UBND thành phố Hà Nội “cảnh báo” về việc điều chỉnh cao độ cầu vượt tại nút giao ngã tư Vọng (thuộc Dự án tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở).

Bộ Xây dựng nêu rõ: Lý do để hạ cao độ cầu vượt tại nút giao ngã tư Vọng là chưa rõ ràng. Đây là vị trí giao cắt của trục giao thông hướng tâm vào thành phố, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông thường xuyên quá tải. Vì vậy, UBND thành phố cần tổ chức lấy ý kiến chuyên gia giải quyết nút giao thông lập thể bảo đảm lâu dài chứ không chỉ khắc phục tình trạng ách tắc hiện tại.

Ngoài ra, tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở cũng cần phải giải quyết nút giao ở vị trí ngã tư Sở theo hướng tương tự như ở ngã tư Vọng. Không nên để điểm kết thúc của tuyến đường bộ trên cao tại vị trí trước ngã tư Sở mà không có giải pháp lập thể ở khu vực này.

Tuy nhiên, dường như UBND thành phố Hà Nội đã “bỏ qua” góp ý quan trọng của Bộ Xây dựng và vẫn quyết định chọn điểm kết thúc tuyến đường bộ trên cao ngay tại ngã tư Sở. Hệ quả là tại ngã tư Sở cũng như ngã tư Vọng, tình trạng tắc vẫn hoàn tắc khi mà hai điểm lên xuống quá gần ngã tư thì phương tiện giao thông không thể có điểm quay đầu, buộc phải đi thêm một đoạn ngắn, qua khu vực ngã tư vốn đã rất đông đúc để quay ngược trở lại.

Thiết nghĩ Sở Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội cần sớm tổ chức lại giao thông tại hai điểm đầu – cuối tuyến đường trên cao. Ngoài việc bố trí lại chu kỳ đèn hợp lý, tăng cường thời lượng đèn xanh cho hướng nhiều xe thì cũng cần tăng cường điều tiết giao thông thường xuyên.

Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng được UBND thành phố Hà Nội khởi công từ tháng 4/2018. Dự án được xây dựng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở có chiều dài 5,1km, rộng 19m. Còn phần đường vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - ngã tư Vọng dài 3,1km sẽ được mở rộng với mặt cắt 53,5 - 63,5m, quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng 4-6m mỗi bên... Dự án có phạm vi đi qua 4 quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỉ đồng.

Diệu Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/un-tac-giao-thong-van-tai-dien-tai-nut-nga-tu-so-sau-khi-thong-xe-duong-tren-cao-293248.html